Thiếu nguồn lực xử lý môi trường làng nghề
  
Cập nhật:17/09/2016 7:31:33 SA
Toàn tỉnh hiện có 84 làng nghề. Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề trên địa bàn đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quá trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh mặt tích cực các chất thải phát sinh tại nhiều làng nghề như đúc đồng, chế biến thủy hải sản, sản xuất bún… đã và đang gây ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, đất, nước..., ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất của địa phương.

Để giải quyết ô nhiễm tại làng nghề, một số địa phương đã huy động, vận dụng nguồn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn khuyến công, Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường… Tuy nhiên, thực tế nguồn vốn này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu, trong khi đó, nguồn lực tự có của các hộ sản xuất nhỏ lẻ lại càng thiếu để đối ứng. Đơn cử như hệ thống xử lý nước thải làng bún Vân Cù (Hương Toàn, TX. Hương Trà) được hỗ trợ từ Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường với kinh phí khoảng trên 3 tỷ đồng, nhưng vì vốn đối ứng của địa phương và Nhân dân đóng góp không đủ nên công trình này vẫn không phát huy hết tác dụng, việc xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường vẫn chưa đảm bảo. Hay làng nghề chế biến thủy sản Phú Thuận (Phú Vang), thông qua đề án hỗ trợ của Chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xã đã quy hoạch 3,2 ha đất xây dựng khu sản xuất tập trung để đưa các cơ sở chế biến thủy hải sản về sản xuất tập trung với kinh phí dự kiến trên 3 tỷ đồng, gồm xây dựng hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải, trong đó các hộ dân cam kết sẽ đầu tư 2 tỷ đồng vốn đối ứng xây dựng nhà xưởng. Song, do khó khăn về vốn nên đề án vẫn chưa triển khai…

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã báo cáo tình hình triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề giai đoạn 2012-2016 với kinh phí được cấp chỉ 17,3% so với kinh phí được duyệt ban đầu, tương đương với 245 tỷ đồng. Vì sự thiếu hụt kinh phí, đến thời điểm này mới có 2 tiểu dự án hoàn thành, 9 tiểu dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện. Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ tiếp tục đề xuất nội dung khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng được lồng ghép trong Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới. Kinh phí đề xuất cho giai đoạn này trên 2.000 tỷ đồng, trong đó Trung ương hơn 30%, còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn khác. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nếu nguồn kinh phí được cấp đầy đủ thì trong thời gian 3 năm còn lại, chúng ta có thể hoàn thành được mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.

Trong khi nguồn lực tài chính có hạn, Sở Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị các địa phương cần quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường (BVMT). Các hộ sản xuất cần có sự đầu tư, thay thế công nghệ sản xuất lạc hậu bằng công nghệ mới thân thiện với môi trường; nâng cao ý thức và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về BVMT, huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc BVMT làng nghề.

KCXT-HÙNG
BTTH`
 Bản in]

Liên kết công vụ