Ngày 21 tháng 6 năm 2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật quảng cáo. Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố Luật quảng cáo và Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT QUẢNG CÁO
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế-xã hội, hoạt động quảng cáo ở nước ta đã có bước phát triển mạnh với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, sự mở rộng về hình thức, quy mô và công nghệ. Việc đầu tư kinh phí cho hoạt động quảng cáo hàng hoá, dịch vụ được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quan tâm. Do nhu cầu quảng cáo ngày càng tăng nên nhiều loại hình quảng cáo mới xuất hiện và phát triển mạnh, đặc biệt là quảng cáo trên các phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông; quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử; quảng cáo bằng đoàn người.
Tuy vậy, hệ thống pháp luật về quảng cáo ở nước ta đang có những bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của hoạt động quảng cáo trong nền kinh tế thị trường. Văn bản có giá trị pháp lý cao nhất hiện hành trong hệ thống pháp luật về quảng cáo là Pháp lệnh Quảng cáo được ban hành năm 2001. Bên cạnh đó, một số quy định về quảng cáo trong các lĩnh vực chuyên ngành được quy định rải rác tại nhiều văn bản Luật như: Luật Thương mại, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Dược và nhiều văn bản khác. Vì vậy, việc áp dụng các quy định về hoạt động quảng cáo gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp các văn bản có quy định khác nhau. Pháp lệnh Quảng cáo là văn bản quy định tương đối toàn diện về hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, do sự phát triển của hoạt động quảng cáo nên có nhiều nội dung chưa được điều chỉnh hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, cụ thể như sau:
- Về hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài: Pháp lệnh Quảng cáo quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài được đặt Chi nhánh tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài được hợp đồng, hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam nhưng không được thành lập chi nhánh. Như vậy, quy định về quảng cáo có yếu tố nước ngoài tại Pháp lệnh Quảng cáo không còn phù hợp với cam kết của Việt Nam với WTO.
- Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo: Pháp lệnh Quảng cáo chưa quy định cụ thể về hành vi quảng cáo so sánh; sử dụng sản phẩm quảng cáo gây hại cho sức khoẻ và sự hình thành nhân cách của trẻ em; quảng cáo bằng hình thức phát tờ rơi, tờ gấp, dán vẽ sản phẩm quảng cáo nơi công cộng không theo quy định, dùng đoàn người để quảng cáo. Việc quy định về “cấm quảng cáo sản phẩm, hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép thực hiện tại thời điểm quảng cáo” không phù hợp với chiến lược tiếp thị, khai thác thị trường của các doanh nghiệp (trừ trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục cấm kinh doanh hoặc cấm quảng cáo).
- Về phương tiện quảng cáo: Pháp lệnh Quảng cáo chưa có định nghĩa về phương tiện quảng cáo; các phương tiện quảng cáo đang phát triển như mạng viễn thông, phương tiện điện tử, người chuyển tải khối lượng lớn sản phẩm quảng cáo chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh.
- Về quảng cáo trên báo chí: Pháp lệnh Quảng cáo đã quy định về tỷ lệ diện tích, thời lượng quảng cáo trên báo chí. Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng, quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập và chưa phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính của các cơ quan báo chí, thúc đẩy sự phát triển hoạt động quảng cáo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đồng thời, quy định phải cấp phép phụ trang, phụ bản, kênh, chương trình chuyên quảng cáo, quy định không được quảng cáo trên trang nhất, bìa một của báo in áp dụng tương tự với báo điện tử tại Pháp lệnh Quảng cáo cũng không còn phù hợp.
- Về quảng cáo trên mạng thông tin máy tính: Pháp lệnh Quảng cáo quy định việc cấp phép thực hiện quảng cáo trên phương tiện này. Trên thực tế, đây là quy định không có tính khả thi vì nội dung quảng cáo trên mạng thông tin máy tính chuyển tải liên tục, thay đổi thường xuyên với số lượng rất lớn nên không thể quản lý bằng cấp phép mà nên áp dụng phương pháp quản lý bằng hậu kiểm.
- Về quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô, băng-rôn: Trong thực tế, quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô, băng-rôn là một hoạt động cần phải có sự quản lý của nhiều ngành tại địa phương, tuy nhiên, Pháp lệnh Quảng cáo chưa quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan có liên quan, nhất là trong việc xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời để đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị.
Như vậy, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về phát triển quảng cáo, những bất cập của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành thì việc ban hành Luật Quảng cáo - văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao để điều chỉnh toàn diện hoạt động quảng cáo ở nước ta là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT
Luật quảng cáo được xây dựng trên những quan điểm sau đây:
1. Thể chế hoá chủ trương đường lối phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
2. Đảm bảo tính thống nhất của bộ máy quản lý nhà nước, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của nước ta; phù hợp với cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Điều ước quốc tế khác mà Việt Nam đã tham gia trong lĩnh vực quảng cáo.
3. Kế thừa các quy định của Pháp lệnh Quảng cáo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về hoạt động quảng cáo của nước ngoài.
4. Điều chỉnh toàn diện hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam với các quy định tương đối cụ thể, rõ ràng để khi ban hành tạo cơ sở pháp lý thích hợp.
5. Thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển lành mạnh, bảo vệ lợi ích quốc gia; quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động quảng cáo.
6. Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về họat động quảng cáo; tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trong khuôn khổ của pháp luật.
III. NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH VÀ ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA LUẬT QUẢNG CÁO
Luật Quảng cáo có 5 Chương, 43 Điều, được bố cục như sau:
Chương I: Những quy định chung
Chương này gồm 11 Điều (từ Điều 1 đến Điều 11) quy định những vấn đề có tính nguyên tắc chung, bao gồm: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; nội dung quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; hợp đồng dịch vụ quảng cáo; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo; Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo.
Những điểm mới cơ bản của Chương này bao gồm:
- Quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo: Luật quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo. Điều 5 “Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo”, cụ thể:
“1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
2. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền”.
- Quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo bao gồm: thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình vú, vú ngậm nhân tạo; thuốc kê đơn, thuốc được cơ quan nhà nước khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; sản phẩm hàng hóa có tính chất kích dục, kích động bạo lực; súng săn, đạn súng săn, vũ khí thể thao.
Việc quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên là cần thiết. Vấn đề này xuất phát từ thực tiễn rất nhiều tệ nạn xã hội, tai nạn do người uống rượu gây ra. Tuy nhiên, các quy định phải phù hợp với phong tục, tập quán cũng như các điều ước quốc tế đã ký kết. Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, việc quảng cáo rượu vang và rượu mạnh phải tuân thủ các quy định của Nhà nước trên cơ sở không phân biệt đối xử. Khoản 4 Điều 109 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên (luật này có trước khi Việt Nam gia nhập WTO). Tuy nhiên, một số nước (chủ yếu là các nước Châu Âu) cho rằng có sự phân biệt đối xử trong kinh doanh rượu giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam. Trên thực tế, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, còn rượu có độ cồn dưới 30 độ chủ yếu do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trong nước. Vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của Việt Nam và để người tiêu dùng có ý thức cao hơn về tác hại khi lạm dụng rượu, Luật đã quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
- Đối với hành vi cấm quảng cáo. Bổ sung thêm một số nội dung mới như: Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến giới, về người khuyết tật, quảng cáo sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, quảng cáo có sử dụng các từ “ nhất”, duy nhất, tốt nhất, số một hoặc các từ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh, vi phạm sở hữu trí tuệ, quảng cáo làm ảnh hưởng đến trẻ em…
- Quy định về Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo: Hội đồng trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ xem xét và đưa ra kết luận về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật trước, trong và sau khi thực hiện quảng cáo khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo. Điều 9 Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo:
“1. Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giúp Bộ trưởng xem xét và đưa ra kết luận về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật trong trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.
2. Thành phần của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo bao gồm đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện của tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo và các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo”.
- Quy định nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo. Điều 10 Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo:
“1. Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội.
2. Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên;
b) Xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt; tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo;
c) Tham gia ý kiến xây dựngchiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển hoạt động quảng cáo; các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quảng cáo và quy hoạch quảng cáo ngoài trời;
d) Đề cử đại diện và giới thiệu chuyên gia tham gia Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
đ) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động quảng cáo; tư vấn, cung cấp thông tin, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quảng cáo và đạo đức nghề nghiệp;
e) Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh nhằm phát triển thị trường quảng cáo và nâng cao chất lượng sản phẩm quảng cáo;
g) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quảng cáo, xây dựng niềm tin của người tiêu dùng;
h) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”.
Chương II: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo
Chương II, gồm 5 Điều (từ Điều 12 đến Điều 16) quy định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của người cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của người tiếp nhận quảng cáo.
Những nội dung mới cơ bản của Chương này bao gồm:
- Tách các đối tượng tham gia hoạt động quảng cáo để quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ, bao gồm: quyền, nghĩa vụ của người quảng cáo; người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; người phát hành quảng cáo; người cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo và người tiếp nhận quảng cáo.
+ Về nghĩa vụ của người quảng cáo (khoản 2 Điều 12), ngoài việc cung cấp các thông tin cần thiết, trung thực, chính xác, còn phải cung cấp các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo, đồng thời phải chịu trách nhiệm về các thông tin đó.
Về việc phân định trách nhiệm đối với sản phẩm quảng cáo, Luật quy định người quảng cáo không chỉ chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình trong trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện mà còn phải liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện (điểm c, khoản 2 Điều 12 ).
+ Để có thể kiểm soát chặt chẽ quy trình thực hiện quảng cáo, Luật đã bổ sung quy định người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người phát hành quảng cáo trước khi thực hiện hợp đồng phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo mà người quảng cáo cung cấp (điểm b khoản 2 Điều 13 và Khoản 2 Điều 14).
+ Hiện nay có nhiều tranh chấp liên quan đến địa điểm quảng cáo mà chưa được quy định do vậy đã ảnh không nhỏ đến chất lượng và sự an toàn của phương tiện quảng cáo. Để khắc phục tình trạng trên, Luật đã bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo. Theo đó, người cho thuê địa điểm quảng cáo phải chịu trách nhiệm về căn cứ pháp lý của việc cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo; về chất lượng và an toàn của phương tiện quảng cáo; thực hiện đúng các nghĩa vụ trong hợp đồng cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo đã ký kết (khoản 2 Điều 15)
- Bổ sung thêm một đối tượng mới là Người tiếp nhận quảng cáo và quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ như: Được yêu cầu người quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo bồi thường thiệt hại khi quảng cáo không đúng với chất lượng, giá cả… và được tố cáo khởi kiện dân sự theo quy định của pháp luật…
Chương III: Hoạt động quảng cáo
Chương này gồm 22 điều (từ Điều 17 đến Điều 38), chia làm 6 mục.
Mục 1 phương tiện quảng cáo; yêu cầu về nội dung, điều kiện quảng cáo, gồm 4 điều, từ Điều 17 đến Điều 20, quy định về phương tiện quảng cáo; tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo; yêu cầu đối với nội dung quảng cáo; điều kiện quảng cáo.
Mục 2 quảng cáo trên báo chí, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác, gồm 4 điều, từ Điều 21 đến Điều 24, quy định về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình; quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử, trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.
Mục 3 quảng cáo trên các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác, gồm 2 điều, từ Điều 25 đến Điều 26, quy định về quảng cáo trên các sản phẩm in, trong bản ghi âm, ghi hình.
Mục 4 quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo và phương tiện giao thông, gồm 8 điều, từ Điều 27 đến Điều 34, quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo; Hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn; Trình tự thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn; Cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo; quảng cáo trên phương tiện giao thông; quảng cáo bằng loa phòng thanh; biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tách quản lý quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn thành 2 khâu: quản lý vị trí, kết cấu xây dựng bảng quảng cáo và quản lý nội dung sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo (Điều 27).
Việc quản lý vị trí, kết cấu xây dựng bảng quảng cáo phải tuân theo quy định của pháp luật về xây dựng, về giao thông... Đối với bảng quảng cáo tấm lớn, có kết cấu kim loại, gắn với công trình xây dựng có trước hoặc đứng độc lập, thì vị trí, kết cấu bảng quảng cáo phải được quản lý như đối với công trình xây dựng và phải được ngành xây dựng cấp giấy phép quảng cáo (Điều 31).
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoạt động thuận lợi, Luật mới cũng đã bổ sung quy định cấp giấy phép quảng cáo cho những trường hợp địa phương chưa phê duyệt quy hoạch quảng cáo (điểm c khoản 4 điều 31).
Mục 5 quảng cáo trong chương trình văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, tổ chức sự kiện, đoàn người thực hiện quảng cáo, vật thể quảng cáo, gồm 2 điều, từ Điều 35 đến Điều 36, quy định về các yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo thông qua chương trình văn hoá, thể thao, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, tổ chức sự kiện, đoàn người thực hiện quảng cáo, vật thể quảng cáo.
Mục 6 quy hoạch quảng cáo ngoài trời, gồm 2 điều, từ Điều 37 đến Điều 38, quy định về nội dung và nguyên tắc quy hoạch quảng cáo ngoài trời; trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
Về nội dung và nguyên tắc quy hoạch quảng cáo ngoài trời, so với Pháp lệnh, Luật đã quy định bổ sung thêm một số nguyên tắc xây dựng quy hoạch như: phải đảm bảo tính ổn định, kế thừa quy hoạch đã có sẵn; quan tâm đến điểm tiếp giáp giữa các tỉnh để đảm bảo thống nhất, hài hòa giữa các địa phương; trong trường hợp thực hiện hoặc điều chỉnh quy hoạch gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân, phải có trách nhiệm đền bù; phải lấy ý kiến các ban, ngành liên quan và nhân dân trước khi phê duyệt quy hoạch và phải công khai quy hoạch đã phê duyệt.
- Quy định về một số thủ tục hành chính:
+ Bãi bỏ Giấy phép thực hiện quảng cáo trên bảng, băng - rôn thay bằng thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo trước khi thực hiện quảng cáo. Điều 29 quy định rõ về Hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn
+ Bãi bỏ Giấy phép ra phụ trương quảng cáo thay bằng thủ tục thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
+ Bãi bỏ Giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo (hoặc thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo) đối với hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và phát triển nông thay bằng quy định điều kiện phải thực hiện theo Điều 20 Luật quảng cáo và các nội dung bắt buộc sẽ được quy định tại Nghị định của Chính phủ.
+ Tiếp tục duy trì cấp phép đối với việc ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo (Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép) và cấp phép xây dựng đối với màn hình quảng cáo từ 20 mét vuông trở lên; bảng quảng cáo 20 m vuông gắn vào công trình đã có trước; bảng quảng cáo đứng độc lập từ 40 m vuông trở lên (Bộ Xây dựng cấp phép) ( Khoản 6, 7 Điều 22 và Điều 31)
- Điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo chí, cụ thể:
+ Báo in: Tách ấn phẩm báo và ấn phẩm tạp chí. Trước đây Tại Pháp lệnh quảng cáo quy định báo in không được quảng cáo quá 10% tổng diện tích thì nay Luật quảng cáo quy định diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% (tăng 5% so với PL) tổng diện tích một ấn phẩm, 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí (trước đây Pháp lệnh không quy định riêng cho tạp chí).
+ Báo nói, báo hình: Pháp lệnh quảng cáo quy định được quảng cáo không quá 5% nay Luật quảng cáo quy định được quảng cáo không quá 10% (Tăng 5%). Truyền hình trả tiền được quảng cáo không quá 5% (Tại Pháp lệnh quảng cáo không quy định riêng cho truyền hình trả tiền).
+ Không được phát sóng quảng cáo trong các chương trình: Chương trình thời sự; chương trình phát thanh truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.
+ Đối với quảng cáo chạy dưới chân màn hình thì không được quá 10% chiều cao màn hình.
+ Đối với quảng cáo bằng hình thức gửi tin nhắn, thư điện tử thì được quy định cụ thể: Chỉ được gửi tin nhắn và thư điện tử quảng cáo khi có sự đồng ý trước của người nhận; chỉ được gửi từ 7g đến 22 giờ; không được gửi quá 3 tin nhắn và 3 thư điện tử đến một số điện thoại hoặc một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24g trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác.
- Quảng cáo trên các sản phẩm in
+ Đối với tranh, ảnh, áp-phích, ca-ta-lô, tờ rời, tờ gấp có nội dung cổ động, tuyên truyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật, được quảng cáo không quá 20% diện tích từng sản phẩm.
+ Không được quảng cáo trên các sản phẩm in là tiền hoặc giấy tờ có giá, văn bằng chứng chỉ và văn bản quản lý nhà nước.
+ Thời lượng quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình chương trình văn hoá, nghệ thuật, điện ảnh, bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách không được vượt quá 5% tổng thời lượng nội dung chương trình.
Bên cạnh đó, chương này cũng đưa ra các quy định về việc viết, đặt biển hiệu, nội dung thể hiện trên biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh; quy định về công tác xây dựng quy hoạch quảng cáo tại địa phương với yêu cầu của nội dung quy hoạch và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc xây dựng quy hoạch quảng cáo để đảm bảo cảnh quan môi trường, mỹ quan đô thị và trật tự an toàn xã hội (Điều 34, Điều 37, 38)
Chương IV: Quảng cáo có yếu tố nước ngoài
Chương IV, gồm 03 Điều (từ Điều 39 đến Điều 41) quy định những vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động quảng cáo; văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam.
Trong Pháp lệnh Quảng cáo có quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài được đặt Chi nhánh tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài được hợp đồng, hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam nhưng không được thành lập chi nhánh. Vì vậy, trong dự thảo Luật đã bãi bỏ việc cho phép thành lập chi nhánh cho phù hợp cam kết của Việt Nam với WTO.
Chương V: Điều khoản thi hành
Chương V, gồm 02 Điều, Điều 42 và Điều 43, quy định về hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổ chức Hội nghị phổ biến Luật quảng cáo đến cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí, doanh nghiệp hoạt động quảng cáo, Hội nghề nghiệp; tuyên truyền trên Tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa, Website của cơ quan.
2. Xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật quảng cáo; Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật quảng cáo.