1. Tên dự án: Dự án “Giảm thiểu carbon và nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch phát triển năng lượng bền vững” (gọi tắt là Dự án Giảm thiểu carbon)
2. Cơ quan tài trợ: Cơ quan Hỗ trợ Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) và Bộ Ngoại giao Vương Quốc Anh tài trợ thông qua tổ chức WWF Việt Nam
3. Cơ quan chủ quản: UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế
4. Cơ quan phê duyệt khoản viện trợ: Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
5. Cơ quan tiếp nhận và thực hiện dự án: Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế
6. Thời gian dự kiến thực hiện dự án: 27 tháng (từ tháng 10.2012-12.2014)
7. Địa điểm thực hiện dự án: huyện Nam Đông và Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
8. Tổng vốn dự án: 124.377 Đô la Mỹ, trong đó: vốn viện trợ không hoàn lại 124.377 Đô la Mỹ
9. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của dự án:
Phát triển việc sử dụng năng lượng bền vững tại Thừa Thiên Huế nhằm giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, giảm tác động của biến đối khí hậu và các tác động tạo ra do việc sản xuất năng lượng không bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời nâng cao đời sống người dân tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kết quả:
- Năng lực kỹ thuật của các cơ quan cấp tỉnh, huyện và các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực năng lượng cải thiện hơn, góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững tại địa phương;
- Tăng cường kiến thức và kinh nghiệm về việc sử dụng các bộ công cụ, phương pháp phát triển kế hoạch theo chuẩn quốc tế (vốn đã được áp dụng khá thành công tại Đà Nẵng, cho những người có vai trò quyết sách cấp tỉnh và huyện về lĩnh vực năng lượng);
- Những công nghệ phù hợp về năng lượng bền vững sẽ được nhận diện và đưa vào áp dụng tại các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình ở tỉnh Thừa thiên Huế một cách có hiệu quả;
- Một kế hoạch thí điểm phát triển năng lượng hiệu quả và bền vững cho một lĩnh vực lựa chọn sẽ được xây dựng tại Tỉnh Thừa Thiên Huế, sử dụng những kỹ năng và công nghệ cải tiến;
- Chính quyền của tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, các tổ chức xã hội dân sự và doanh nghiệp tư nhân có cơ hội trao đổi thông tin, học hỏi lẫn nhau và nâng cao kiến thức
I. Căn cứ hình thành dự án
1. Cơ sở pháp lý của dự án:
- Căn cứ Nghị định 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;
- Căn cứ Thông tư số 07/2010/TT-BKH ngày 30 tháng 3 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thi hành Nghị định 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;
- Căn cứ Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính về việc Quy định chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách Nhà nước;
- Căn cứ Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
- Căn cứ vào Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng hiệu quả năng lượng của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2006-2015, VNEEP, tập trung nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vấn đề hiệu quả trong sử dụng năng lượng, thúc đẩy khuyến khích các nghiên cứu khoa học và công nghệ, đẩy mạnh thực thi pháp luật về bảo tồn và sử dụng hiệu quả năng lượng, và thiết đặt mục tiêu quốc gia về tiêu thụ năng lượng vv;
- Căn cứ vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về chống biến đổi khí hậu 2008-2015, NTP-RCC: cung cấp định hướng về một nền kinh tế carbon thấp và giảm thiểu tác động của biển đổi khí hậu thông qua giảm thiều phát thải khí hiệu ứng nhà kính trong việc sử dụng năng lượng, trong sản xuất nông nghiệp, trong ngành lâm nghiệp; biến đổi sử dụng đất, xử lý chất thải, vv.;
- Thông tin Quốc gia Việt Nam lần thứ hai đến UNFCCC (2010): đặt mục tiêu về giảm khí thải hiệu ứng nhà kính;
- Căn cứ vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 ( sơ đồ VII) đã được thông qua năm 2011 bao gồm mục tiêu về năng lượng tái tạo trong cơ cấu phát triển điện lực Quốc gia;
- Căn cứ vào Quy hoạch cung cấp điện khu vực nông thôn (sơ đồ VII):
Giai đoạn 2011 - 2015:
+ Đầu tư mở rộng lưới điện quốc gia cung cấp cho 500 nghìn hộ dân nông thôn.
+ Cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 377 nghìn hộ dân nông thôn.
Giai đoạn 2016 - 2020:
+ Đầu tư cấp điện mới từ lưới quốc gia cho 200 nghìn hộ dân nông thôn.
+ Cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 231 nghìn hộ dân nông thôn.
- Căn cứ vào Luật về sử dụng hiệu quả và bảo tồn năng lượng đã được thông qua năm 2011,với mục tiêu giảm thiểu năng lượng sử dụng trong khu vực dân cư, thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ thân thiện với khí hậu như gia tăng hiệu quả sử dụng trong lò than và bếp nấu ăn hộ gia đình, vv
- Căn cứ vào Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, năm 2011 (với các mục tiêu cụ thể).
- Căn cứ vào công văn số 2939/UBND-ĐN ngày 05 tháng 7 năm 2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu đề xuất dự án Giảm thiểu Carbon để xác định rõ mục tiêu, hoạt động dự án, hình thức triển khai và cơ chế tài chính, báo cáo UBND tỉnh.
- Căn cứ thông báo tài trợ của tổ chức WWF ngày 18 tháng 9 năm 2012
- Căn cứ Biên bản thỏa thuận thực hiện dự án “Giảm thiểu carbon” giữa tổ chức WWF Việt Nam và Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế ký ngày.... tháng 10 năm 2012
2. Bối cảnh dự án
Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), bao gồm Campuchia, Lào, May-An-Ma, Tây Nam Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, là nơi sinh sống của hơn 300 triệu dân trong điều kiện có sự chuyển biến linh hoạt về mặt chính trị, xã hội, kinh tế và môi trường. Một thách thức cực kỳ lớn đối với các quốc gia trong khu vực này và các đối tác chiến lược của họ là làm sao để có thể phát triển kinh tế, và giảm nghèo trong khi vẫn có thể đảm bảo các hệ sinh thái và các loài sinh vật sống trong đó được bảo vệ. Tiểu vùng Mê Kông mở rộng là một trong các khu vực được ưu tiên cao trong chương trình bảo tồn toàn cầu (GPF) của WWF, nằm trong phần lớn khu vực đất liền tại Đông Nam Á, với mức độ đa dạng sinh học rất cao, và gắn liền với nhiều sáng kiến của mạng lưới WWF.
Chương trình trọng điểm pha 2 của WWF Đan Mạch, giai đoạn 2012 – 2014, được Danida tài trợ (sau đây được gọi là chương trình Danida-WWF Đan Mạch II) hỗ trợ chương trình WWF vùng Mê Kông (GMP) trong vấn đề triển khai kế hoạch chiến lược cho giai đoạn tài khóa FY2011-15, cũng như thúc đẩy WWF GMP trong vấn đề kết nối và đóng góp vào việc thực hiện các sáng kiến và các ưu tiên của mạng lưới WWF toàn cầu. Chương trình Danida-WWF Đan Mạch II gồm có ba dự án: nuôi tôm bền vững, du lịch sinh thái và phát triển carbon thấp. Ba lĩnh vực trọng tâm này có thể được xem là ba vấn đề quan trọng về mặt kinh tế, đối với vấn đề giảm nghèo (đã được chứng minh), có tốc độ phát triển được dự báo là nhanh, và có tác động/tiềm năng đối với việc hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu và môi trường. Về mặt địa lý, chương trình Danida-WWF Đan Mạch II sẽ tập trung mạnh mẽ vào Việt Nam, và đồng thời sẽ có những giải pháp cấp thực địa tại Cam-pu-chia, và tại những khu vực khả thi, sẽ có những can thiệp cấp vùng.
3. Các vấn đề sẽ được giải quyết trong khuôn khổ dự án: Dự án được xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề sau:
- Chuyển đổi việc sử dụng phụ thuộc quá mức vào nguồn năng lượng hóa thạch vốn phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính và ngày càng cạn kiệt, sang hình thức năng lượng sạch, có khả năng tái tạo và bền vững cho tương lai
- Góp phần giải quyết sự mất cân bằng trong tự nhiên do các vấn đề về môi trường sinh thái gây ra
- Cải thiện thu nhập của người dân và doanh nghiệp thông qua việc giảm chi phí về sử dụng năng lượng khi áp dụng các mô hình năng lượng chuyển đổi/tái tạo
- Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác liên quan cấp tỉnh và 2 huyện Nam Đông, Quảng Điền, đủ khả năng xây dựng các kế họach, chiến lượt và thực thi một nền năng lượng tái tạo tại TT.Huế
- Xây dựng, trình diễn cách tiếp cận mới- kế hoạch thí điểm phát triển năng lượng bền vững cho một lĩnh vực được lựa chọn tại TT.Huế
4. Đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ dự án:
Cộng đồng dân cư và doanh nghiệp (nhỏ và vừa) tham gia trực tiếp việc áp dụng mô hình năng lượng tái tạo tại 02 huyện Nam Đông, Quảng Điền. Ngoài ra, cán bộ của các cơ quan chính quyền, các tổ chức xã hội tham gia dự án cũng được nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để phục vụ tốt hơn sự nghiệp phát triển năng lượng bền vững của tỉnh nhà.
II. Cơ sở đề xuất nhà tài trợ
Để giải quyết các vấn đề thách thức về biến đổi khí hậu WWF đang nổ lực để đi đến một tương lai công bằng và ổn định về mặt khí hậu trong đó thế giới cùng nhau đi đến mục tiêu chung là gia tăng nhiều nhất chỉ 1.5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, vẫn đảm bảo được sự an toàn, bền vững và sự thịnh vượng của nhân loại, sinh cảnh và các loài sinh vật. Một mục tiêu tổng thể để đi đến đích này là các quốc gia công nghiệp phải giảm 95% lượng phát thải khí hiệu ứng nhà kính và các quốc gia đang phát triển giảm 80% cho đến năm 2050 so với lượng phát thải của năm 1990, và thứ hai là vào năm 2015 lượng phát thải khí nhà kính đạt đỉnh điểm và sẽ có sự dịch chuyển sang hướng năng lượng carbon thấp dựa hoàn toàn 100% vào năng lượng tái tạo đồng thời mở rộng việc bảo tồn các nguồn năng lượng tự nhiên khác.
Việt Nam là một trong số các quốc gia dễ bị tổn thương bởi các tác động của biến đổi khí hậu nhất, và đây cũng là quốc gia có nhiều cơ hội trong việc thực hiện thành công các hành động mang tính quốc tế trong công tác giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu thế giới, và song song với vấn đề này, nhu cầu về năng lượng của quốc gia ở khu vực tư nhân cũng như cho phát triển công nghiệp cũng phát triển cao tương ứng. Mức tiêu thụ năng lượng trung bình hằng năm giai đoạn 2006-2009 tăng 13.5% (Globaltrade.net). Quy hoạch phát triển năng lượng giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn 2030 (sơ đồ VII) của Chính phủ Việt Nam cho thấy rằng, với tốc độ tăng trưởng GDP 7.1 – 9.8 % trong giai đoạn 2011-2030, nhu cầu điện năng sẽ tăng lên 12.1 % mỗi năm (cho kịch bản tối thiểu) hoặc 16.1 % mỗi năm (cho kịch bản tối đa) trong giai đoạn 2011- 2015. Dù tốc độ tăng nhanh của nhu cầu về điện, nguồn năng lượng phi thương mại (hầu hết là sinh khối như củi đốt) vẫn là nguồn năng lượng quan trọng trong cấu trúc năng lượng của quốc gia, vì 80 % dân số nông thôn vẫn phụ thuộc vào năng lượng sinh khối phi thương mại (như củi khô, rơm rạ) như nguồn năng lượng dùng để nấu ăn và các mục đích khác
Năng lượng tại Việt Nam phần lớn được tạo ra từ các nhà máy thủy điện qui mô công suất lớn, vừa và nhỏ và các nguồn năng lượng hóa thạch, trong năm 2010 theo ước tính năng lượng thủy điện chiếm 31,9 %, tuốc bin khí chiếm 35,9 %, nhà máy điện sử dụng nhiên liệu than đá tạo ra 18 % năng lượng, nhiên liệu dầu mỏ tạo ra 5,4 %, nhiên liệu nhập khẩu chiếm 8 %; 4 % còn lại được tạo ra từ điện tái tạo. Trong việc cung cấp nhiên liệu, ngành năng lượng có thể găp phải một số các thách thức, bao gồm đảm bảo sự an ninh về cung năng lượng và bảo vệ môi trường khỏi các tác động do việc tiêu thụ năng lượng tạo ra trong khi đó vẫn đảm bảo được việc thực hiện các chính sách về kinh tế chính trị (Do và Sharma, Chính sách năng lượng 39, 2011). Trong khi phong trào năng lượng trên thế giới đang đi theo hướng gia tăng cấu phần năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam thì lại đang có kế hoạch tăng phụ thuộc vào việc sử dụng than đá. Chính sách năng lượng như vậy sẽ có thể làm ảnh hưởng đáng kể đến đóng góp của quốc gia trong vấn đề giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc gia tăng lượng khí thải nhà kính (GHG).
Trên qui mô toàn cầu, lượng khí thải nhà kính trên đầu người ở Việt Nam vẫn còn đang thấp, nhưng lại đang gia tăng nhanh, chủ yếu là do sự tăng trưởng mức sử dụng năng lượng trên đầu người đang tăng nhanh, gấp đôi giai đoạn 1990 đến năm 2005 và được dự báo là sẽ tăng 18% mỗi năm cho đên năm 2030. Trong khi đó, tiềm năng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo vẫn còn đang bỏ ngỏ, chưa được khai thác. Việc sử dụng một cách có hiệu quả hơn các nguồn năng lượng phi thương mại và việc phân cấp trong phát triển các nguồn năng lượng điện tái tạo sẽ có thể làm cho ngành sản xuất điện năng ở Việt Nam trở nên ít bị tác động, linh động hơn và cũng bền vững hơn, cho phép cắt giảm chi phí nhập khẩu điện từ các quốc gia khác trong khu vực.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với tốc độ nhanh về kinh tế, lượng phát thải carbon, mức độ tiêu thụ năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, điều này đồng nghĩa với việc phát triển nhanh các nhân tố gây tác động bất lợi đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và tính nguyên vẹn của các sinh cảnh trong nước cũng như đối với các nước khác trong khu vực Mê Kông, đặc biệt là Lào và Cam-pu-chia.
Để tránh hậu quả mang lại do sự phát triển kinh tế ngoài kiểm soát bao gồm cả vấn đề suy thoái môi trường, điều quan trọng với Việt Nam là xây dựng các chính sách và hành động nhằm chuyển sang hướng phát triển nền kinh tế giảm thiểu phát thải carbon, với các mô hình năng lượng chuyển đổi như một chính sách đáp ứng mục tiêu thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
So với nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, Thừa Thiên Huế ít bị ô nhiễm về môi trường hơn, tuy nhiên, quá trình đô thị hoá đi liền với nghiệp công nghiệp hoá, phát triển giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng... đã làm thay đổi bộ mặt của các đô thị nhưng đồng thời các vấn đề về ô nhiễm môi trường lại nổi bật hơn bao giờ hết. Công nghiệp phát triển, đô thị càng mở rộng, dân số đô thị ngày càng tăng đã làm bùng nổ lượng chất thải khí gây hiệu ứng nhà kính, nước thải và đặc biệt là chất thải rắn với khối lượng vượt quá khả năng thu gom, xử lý. Riêng địa bàn thành phố Huế, khả năng xử lý rác thải rắn đạt 90-95%, đối với các huyện thì việc xử lý rác thải chỉ đảm bảo một phần ở những khu vực đô thị, tại nhiều nơi, rác thải là vấn nạn vượt quá tầm kiểm soát của cơ quan chức năng địa phương.
Hậu quả ô nhiễm môi trường là những tác động nhiều mặt tới sức khỏe cộng đồng, gây ra hàng loạt những xung đột về môi trường trong cộng đồng do lợi ích giữa các nhóm trong xã hội… Ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới các hệ sinh thái tự nhiên, làm cho phát triển thiếu bền vững, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế.
Trên một góc nhìn khác, với định hướng phát triển theo hướng bền vững, chính quyền tỉnhThừa Thiên Huế đã và đang nổ lực xây dựng một nền sản xuất gắn chặt với việc bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó, xây dựng đô thị sinh thái là vấn đề rất quan trọng, cần thiết và cấp bách, nhất là trong giai đoạn tốc độ đô thị hóa, hiện đại hoá và dấu hiệu suy thoái môi trường ngày một tăng cao như hiện nay theo các nguyên tắc cơ bản: xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên; hạn chế các phương tiện gây ô nhiễm môi trường; đảm bảo giữa việc phát triển dân số đô thị và môi trường phải hài hòa và cân bằng. Với nền tảng di sản văn hóa của mình, Huế có nhiều tiềm năng, thế mạnh và điều kiện để phát triển kinh tế và văn hóa theo hướng đô thị phát triển bền vững, trong đó sự bền vững về năng lượng là một trong những vấn đề cấu thành quan trọng trong không gian phát triển du lịch gắn với sinh thái và nhân văn của miền đất Huế.
Để xúc tiến phát triển năng lượng theo hướng bền vững, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang phát triển một số chính sách quan trọng như Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011-2015; Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020 cũng như một số nghiên cứu khảo sát ban đầu về tiềm năng năng lượng tái tạo... đây là cơ sở định hướng và những khởi động thuận lợi để dự án Giảm thiểu carbon triển khai tại địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, trong cuộc họp tham vấn các ban ngành liên quan do Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức ngày mồng 6 tháng 7 năm 2012, các đại biểu cũng cho rằng đã có một số mô hình phát triển năng lượng tái tạo có sự triển vọng ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Cần tìm hiểu, đánh giá hiệu quả nhiều mặt của nó cũng như tiềm năng về sinh khối đối với phế phẩm nông, lâm nghiệp, chất thải...để có thể đầu tư mở rộng mô hình trong khuôn khổ dự án Giảm thiểu carbon và nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch phát triển năng lượng bền vững.
Với mục tiêu nhằm giảm thiểu phát thải carbon, đồng thời nâng cao đời sống người dân và góp phần vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sinh cảnh, sau khi có chuyến khảo sát thực địa và cân nhắc các yếu tố liên quan như địa bàn có các doanh nghiệp (nhỏ và vừa) sản xuất gây ô nhiễm (như làng bún Vân Cù); nơi có nhiều nguồn sinh khối là phế phẩm nông, lâm nghiệp để tạo ra năng lượng bền vững; vùng tiện lợi để lồng ghép các dự án khác mà WWF đang khai thực hiện; năng lực thực hiện của người dân cộng đồng và doanh nghiệp...WWF và Sở Công Thương đã thống nhất 2 huyện Nam Đông và Quảng Điền là địa bàn thực hiện dự án.
I. Mục tiêu dự án Giảm thiểu Carbon và nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch phát triển năng lượng bền vững
1. Mục tiêu dài hạn:
Dự án này được thiết kế để hỗ trợ chiến lược dài hạn của WWF – Việt Nam và đối tác chiến lược trong khuyến khích phát triển sử dụng năng lượng bền vững ở Việt Nam và vùng Mê Kông nhằm giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, giảm tác động của biến đối khí hậu và các tác động tạo ra do việc sản xuất năng lượng không bền vững cũng như sử dụng thái quá nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tạo điều kiện cho các cộng đồng phụ thuộc tài nguyên gia tăng mức độ tiếp cận đến các nguồn năng lượng sạch và rẻ tiền.
- Mục tiêu ngắn hạn:
Tăng cường tiếp cận và sử dụng các nguồn năng lượng bền vững tại địa phương, đóng góp vào quá trình phát triển ít phát thải khí carbon, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời nâng cao đời sống người dân tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
III. Chiến lược can thiệp
1. Xây dựng năng lực
Xây dựng năng lực là một bộ phận rất quan trọng đối với chương trình, và sẽ được thực hiện theo một số phương thức, bao gồm:
(i) Tiến hành đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực đối với các đối tác chính;
(ii) WWF Đan Mạch sẽ cung cấp các công cụ lập kế hoạch và phương pháp cho WWF Việt Nam và các đối tác chính;
(iii) Khuyến khích sự tham gia của cả hai giới nam và nữ trong suốt tiến trình thực hiện;
(iv) Tiến hành đào tạo thông qua thực tế công việc;
(v) Nhấn mạnh đến quyền sở hữu của đối tác.
2. Các mối quan hệ đối tác
Như Kế hoạch chiến lược của WWF GMPO đã nêu rõ, đối tác – các đối tác chiến lược hoặc các đối tác theo hợp đồng (tư vấn) với các bên vì lợi ích chung – là rất quan trọng. Cần thiết phải phân biệt giữa đối tác, các bên liên quan và bên hưởng lợi để tránh nhầm lẫn khi thực hiện dự án. Đối tác là các tổ chức cùng chia sẽ những lợi ích chung hoặc tham gia vào hoạt động của dự án thông qua các hợp đồng được ký kết để cùng đạt đến mục tiêu chung. Các bên liên quan là các cá nhân, các nhóm người, các tổ chức, hoặc các hệ thống ảnh hưởng đến hoặc có thể trực tiếp hoặc gián tiếp bị ảnh hưởng bởi những hoạt động của dự án. Bên hưởng lợi là các cá nhân, các nhóm, các tổ chức nhận được hỗ trợ trực tiếp hoặc các lợi ích khác từ dự án.
Sự hợp tác hiệu quả giữa các đối tác là then chốt để đạt được những tác động cũng như tính bền vững của chương trình. GMPO có các đối tác khác nhau, bao gồm: các cơ quan, đơn vị chính phủ ở các cấp, các tổ chức xã hội (CSO, NGO trong nước và quốc tế), các nhà tài trợ chính thức, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Các hợp tác có thể khác nhau về qui mô, từ các thỏa thuận chính thức cấp dự án, các hợp tác thực hiện hoạt động để chia sẽ thông tin và tài nguyên và cùng nhau hỗ trợ để đạt được các mục tiêu chung.
3. Tăng cường năng lực cho đối tác là các tổ chức xã hội dân sự và bên hưởng lợi
Củng cố và phát triển các tổ chức xã hội dân sự (các tổ chức hội, đoàn thể...) là điều thật sự cần thiết nhằm hướng đến việc tạo ra cơ cấu quản lý minh bạch, vì vậy sự hợp tác của các tổ chức xã hội dân sự hiện tại cũng cần được củng cố thêm và trong trường hợp cần thiết có thể kiến tạo các mối quan hệ hợp tác mới cho phù hợp.
4. Chiến lược can thiệp
Việt Nam đang đối mặt với một loạt các thách thức liên quan đến năng lượng, bao gồm các thách thức về môi trường và xã hội. Sự phát triển kinh tế và chính sách không bền vững về năng lượng, sản xuất và tiêu thụ năng lượng đã dẫn đến ô nhiễm môi trường và các vấn đề về kinh tế gây đe dọa đến các hệ sinh thái, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh kế và sức khỏe của người dân.
Một yếu tố quan trọng đối với dự án Giảm thiểu carbon và nâng cao năng lực xây dựng kế hoach phát triển năng lượng bền vững theo quan điểm WWF Việt Nam là thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội vào tiến trình phát triển năng lượng tái tạo bền vững cấp quốc gia, cấp tỉnh và cộng đồng. Để làm được điều này, WWF Việt Nam sẽ xây dựng các chiến lược trên cở sở các mối quan hệ hiện tại với chính phủ, các nhóm tổ chức xã hội và các tổ chức có hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu, năng lượng và phát triển xanh đã được tạo lập trong những năm qua, bao gồm cả những hỗ trợ từ phía WWF cho các tổ chức xã hội dân sự cũng như các liên minh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Yếu tố quan trọng thứ hai đối với chiến lược của dự án này là hợp tác với những nhà hoạch định chinh sách và kế hoạch của tỉnh để thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững và hỗ trợ thực hiện mở rộng các mô hình/dự án ngoài thực tiễn. Trong mối quan hệ này, WWF sẽ đặc biệt tập trung đến vấn đề kết nối sử dụng năng lượng bền vững trong hoạt động sản xuất song hành với công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; tiếp cận và sử dụng năng lượng bền vững hướng tới mục tiêu sử dụng các nguồn tài nguyên hiệu quả hơn, phát thải ít carbon đồng thời cải thiện đời sống cộng đồng. Vì vậy, một phần của chiến lược sẽ là sự liên kết giữa phát triển năng lượng bền vững với các dự án được hỗ trợ của WWF Việt Nam, thí dụ như dự án Mây Bền vững đang thực hiện tại huyện Nam Đông.
Yếu tố thứ ba của chiến lược là tập trung vào hỗ trợ các công ty tư nhân trở thành các xúc tác trong việc thực hiện hoạt động carbon thấp và sử dụng năng lượng bền vững một cách có hiệu quả kinh tế. Việc hợp tác với lĩnh vực tư nhân sẽ là rất quan trọng vì ngành công nghiệp nước ta đang trong quá trình phát triển, nên việc sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên cũng ở mức độ cao nhất.
Nói tóm lại, chiến lược của dự án là tập trung vào việc thúc đẩy thực hiện carbon thấp và phát triển năng lượng bền vững thông qua đối tác đa phương nhằm hỗ trợ xây dựng các khung chính sách, lập kế hoạch, xây dựng một môi trường thuận lợi để hỗ trợ áp dụng và nhân rộng các mô hình sử dụng năng lượng bền vững trong các ngành sản xuất chiến lược.
IV. Kết quả dự án
Dự án được mong đợi sẽ cho các kết quả như sau:
Kết quả 1: Năng lực của các cơ quan cấp tỉnh, huyện và các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực năng lượng được cải thiện hơn, góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững tại địa phương, tạo ra một nền tảng phát triển trên cơ sở giảm thiểu phát thải carbon, sử dụng tài nguyên hiệu quả và nâng cao sinh kế cho người dân cộng đồng.
Kết quả 2: Những công nghệ phù hợp về năng lượng bền vững sẽ được nhận diện và đưa vào áp dụng tại các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình ở tỉnh Thừa thiên Huế một cách có hiệu quả.
Kết quả 3: Đối tác Tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm quan chức có vai trò quyết sách cấp tỉnh, huyện và cán bộ chuyên môn về lĩnh vực năng lượng tăng cường kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về việc sử dụng các bộ công cụ, phương pháp xây dựng kế hoạch theo chuẩn quốc tế, vốn đã được áp dụng khá thành công tại Đà Nẵng. Qua đó giúp đẩy mạnh việc thực hiện các khởi xướng về năng lượng bền vững và hiệu quả tại địa phương.
Kết quả 4: Một kế hoạch thí điểm phát triển năng lượng hiệu quả và bền vững cho một lĩnh vực lựa chọn sẽ được xây dựng tại Tỉnh Thừa Thiên Huế, sử dụng những kỹ năng và công cụ cải tiến.
Kết quả 5: Các tổ chức xã hội dân sự và doanh nghiệp tư nhân có cơ hội trao đổi thông tin, học hỏi lẫn nhau và nâng cao kiến thức.
V. Cấu phần và hoạt động của dự án
Để đạt được các kết quả đầu ra dự kiến, dự án sẽ tận dụng tối đa khả năng sẵn có của đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, các nhà hoạch định chính sách trên địa bàn tỉnh, đồng thời tìm hiểu và chia sẻ, học hỏi từ các mô hình thành công khác tại Việt Nam. Ngoài ra, sẽ tận dụng các kiến thức kỹ thuật tân tiến của chuyên gia đến từ các nền năng lượng hàng đầu như Đan Mạch, Anh và tổ chức Bảo vệ Môi trường, vào một số công việc cần thiết.
Những hoạt động cụ thể để tạo ra các kết quả tương ứng:
* Kết quả 1 & 3: Năng lực của các cơ quan cấp tỉnh, huyện và các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực năng lượng được cải thiện.
- Tổ chức 2 chuyến thăm quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả tại các tỉnh thành khác cho cán bộ kỹ thuật thuộc Sở Công Thương, các đơn vị trực thuộc Sở và đại diện từ các huyện Nam Đông, Quãng Điền;
- Tổ chức 1 khóa tập huấn các mô hình tiên tiến về phát triển năng lượng bền vững cho cho các bên liên quan từ chính quyền, tổ chức xã hội và nhóm doanh nghiệp tư nhân.
- Tổ chức 3 diễn đàn, hội thảo phát triển năng lượng bền vững, đồng thời phổ biến nội dung Luật, Nghị định, văn bản dưới luật về các biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với sự tham gia của các bên liên quan từ chính quyền, tổ chức xã hội và nhóm doanh nghiệp tư nhân.
- Tổ chức một khóa tập huấn 3 ngày cho nhà lập kế hoạch năng lượng và các bên liên quan từ Tỉnh Thừa Thiên Huế do EDF-Vietnam, chuyên gia Đà Nẵng và Vương quốc Anh thực hiện, về quy trình lập kế hoạch năng lượng bền vững và sử dụng năng lượng hiệu quả.
* Kết quả 2: Những công nghệ phù hợp về năng lượng bền vững sẽ được nhận diện và đưa vào áp dụng tại các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình ở tỉnh Thừa thiên Huế một cách có hiệu quả.
- Tổ chức 1 hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các ý tưởng phát triển năng lượng hiệu quả và bền vững cho các bên liên quan từ chính quyền, tổ chức xã hội và nhóm doanh nghiệp tư nhân.
- Đánh giá hiệu quả của các dự án, mô hình, công nghệ năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả hiện có tại TT Huế (và các tỉnh khác), đồng thời xác định một số mô hình và công nghệ giúp giảm thiểu chi phí sản xuất, giảm sử dụng các nguồn tài nguyên, giảm khí thải nhà kính và có tính khả thi để áp dụng vào hoạt động sản xuất ở huyện Nam Đông và Quảng Điền.
- Thực hiện 3 chiến dịch tuyên truyền thông qua các chương trình truyền hình, truyền thanh và/hoặc cuộc thi sáng tạo để nâng cao nhận thức về phát triển năng lượng bền vững, lợi ích của việc ứng dụng công nghệ carbon thấp, các giải pháp, ý tưởng công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng v.v tại Tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Đánh giá khả năng nguồn sinh khối hiện có, tình hình sử dụng hiện tại, và biện pháp khả thi để sử dụng các nguồn sinh khối này cho việc tạo ra năng lượng, tập trung chủ yếu vào huyện Nam Đông và Quảng Điền.
- Tổ chức 4 cuộc họp và triển lãm để tăng cường sự quan tâm và mở rộng dịch vụ liên kết đến những nhà môi giới kinh doanh về công nghệ/năng lượng bền vững, các doanh nghiệp và hộ gia đình đã được lựa chọn.
- Hỗ trợ áp dụng và/hoặc nhân rộng ít nhất 5 mô hình năng lượng bền vững (trung bình là $4.694,6 USD/mô hình) vào hoạt động sản xuất của các cơ sở tư nhân
- Hỗ trợ áp dụng và/hoặc nhân rộng ít nhất 15 mô hình năng lượng bền vững (trung bình là $1.266,7 USD/mô hình) vào hoạt động sản xuất của hộ gia đình
- Đánh giá hiệu quả của dự án về các khía cạnh giảm thiểu chi phí sử dụng năng lượng, giảm sử dụng các nguồn tài nguyên, cũng như giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
* Kết quả 4: Một kế hoạch thí điểm phát triển năng lượng hiệu quả và bền vững cho một lĩnh vực lựa chọn sẽ được xây dựng.
- Đánh giá báo cáo tổng quan về các hoạt động sản xuất sử dụng tài nguyên bởi doanh nghiệp và hộ gia đình tại Nam Đông và Quãng Điền;
- Xây dựng kế hoạch thí điểm phát triển năng lương bền vững. Kế hoạch này sẽ tính đến các yếu tố như phát triển carbon thấp, hiệu quả năng lượng, cải thiện sinh kế, yếu tố năng lượng tái tạo và sử dụng sinh khối hiệu quả.
* Kết quả 5: Các tổ chức xã hội dân sự và doanh nghiệp tư nhân có cơ hội trao đổi thông tin, học hỏi lẫn nhau và nâng cao kiến thức
Bằng việc tham gia vào các diễn đàn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, phía Đà Nẵng sẽ chia sẻ cho Thừa Thiên Huế về các mô hình, công nghệ năng lượng cải tiến cũng như cách tiếp cận... vốn đã được Quỹ Bảo vệ Môi trường thực hiện thành công ở đó. Ngược lại, họ mong đợi sẽ học hỏi những bài học từ việc xây dựng kế hoạch thí điểm phát triển năng lượng bền vững cho một lĩnh vực lựa chọn ở Thừa Thiên Huế, địa phương đầu tiên xây dựng thí điểm loại hình kế hoạch này tại Việt Nam.
* Thành phần chuyên gia hỗ trợ dự án (Tổ chức WWF và Quỹ Bảo vệ Môi trường):
1. Ông Jacob Fjalland, WWF Đan Mạch
2. Ông Nguyễn Văn Sản, Điều phối viên Chương trình WWF Tiểu vùng sông Mekong
3. Bà Trine Glue Đòan, Cố vấn kỹ thuật kiêm Quản lý dự án- WWF Việt Nam
4. Ông Thái Minh Bảo, Cán bộ dự án- WWF Việt Nam
5. Bà Janes Hughes, Giám Đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF-Việt Nam)
6. Bà Lê Kim Thái, Chuyên gia về tiêt kiệm năng lượng, Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF-Việt Nam)
7. Ông Tom Cumberlege, Chuyên gia về năng lượng, tổ chức Carbon Trust của Vương Quốc Anh.
Về phía đơn vị thực hiện dự án tỉnh Thừa Thiên Huế: Sở Công Thương trình UBND tỉnh phê duyệt thành lập Ban Quản lý dự án giúp Sở Công thương quản lý và thực hiện dự án.
III. Ngân sách dự án:
124.377 Đôla Mỹ (100% viện trợ không hoàn lại)
|
USD
|
Hợp phần “Giảm thiểu Carbon”
|
116,400
|
Kết quả 1
|
27,000
|
Kết quả 2
|
89,400
|
Hợp phần “Nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch phát triển năng lượng bền vững”
|
7,937
|
Kết quả 3 và 4
|
3,531
|
Kết quả 5
|
4,406
|
Tổng Ngân sách dự án
|
124,377
|
Ngân sách tài trợ không bao gồm chi phí quản lý dự án từ phía Sở Công Thương (DOIT)
IV. Các quy định về quản lý tài chính dự án:
- Chế độ quản lý tài chính của dự án sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính về việc Quy định chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách Nhà nước.
- Ban quản lý dự án sau khi được thành lập có trách nhiệm lập tài khoản tại ngân hàng thương mại (theo thỏa thuận giữa WWF và chủ dự án) để phục vụ cho việc giải ngân, thanh toán chi trả các hoạt động dự án đã được nhà tài trợ thông qua.
- Ngân sách thực hiện dự án sẽ được chuyển từ nhà tài trợ dựa trên ngân sách và kế hoạch chuyển tiền của dự án. Do đó trong thời gian thực hiện dự án, Ban quản lý dự án có trách nhiệm lập kế hoạch làm việc ba tháng, sáu tháng, kế hoạch năm đề nghị WWF thực hiện các yêu cầu rút vốn tài trợ từ nhà tài trợ. Kế hoạch sử dụng ngân sách tương ứng do Ban quản lý dự án xây dựng sẽ được WWF Chương trình Việt Nam xem xét và đề nghị nhà tài trợ chuyển tiền. Tất cả các hoạt động và việc giải ngân của dự án sẽ bám sát các kế hoạch đã được phê duyệt và tuân thủ các quy định về tài chính của pháp luật Việt Nam và nhà tài trợ.
- Trong những trường hợp đặc biệt, khi ngân sách hoạt động chi tiêu theo yêu cầu vượt quá mức ngân sách theo kế hoạch, Cố vấn kỹ thuật và Ban Quản lý dự án có thể thống nhất để điều chỉnh trong khuôn khổ ngân sách dự án cho phép.
- Việc điều chỉnh kế hoạch hoạt động dự án và sửa đổi ngân sách bao gồm việc thay đổi các dòng ngân sách, số tiền tại các khoản mục, tiểu mục phải được giải trình hợp lý phù hợp theo kế hoạch điều chỉnh thực hiện các hoạt động dự án tại hiện trường. Cố Vấn Kỹ Thuật và Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm đề xuất bằng văn bản dựa trên báo cáo đánh giá tình hình thực tế nhu cầu của dự án tại hiện trường. Các đề xuất điều chỉnh này phải gửi cho nhà tài trợ phê chuẩn, thông qua WWF Chương trình Việt Nam, trước khi có hiệu lực.
Ngoài ra WWF sẽ thực hiện công tác kiểm toán nội bộ thường xuyên nhằm duy trì chuẩn mực về trách nhiệm quản lý đối với nhà tài trợ.
V. Tổ chức quản lý thực hiện dự án
Sau khi được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tiếp nhận dự án, Sở Công Thương (DOIT) sẽ tiến hành trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Ban quản lý dự án (BQL), WWF Việt Nam sẽ phối hợp với Sở Công Thương (DOIT) và Ban quản lý dự án tiến hành triển khai dự án. Công việc này sẽ bao gồm việc chuẩn bị các kế hoạch hoạt động theo kỳ 6 tháng.
Ban quản lý dự án phối hợp với WWF Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành các hoạt động hằng ngày của dự án. Sở Công Thương với vai trò là đối tác chính của dự án, sẽ điều phối, kết nối sự tham gia của các đơn vị ban ngành liên quan của tỉnh vào quá trình thực hiện dự án.
Các kế hoạch hoạt động theo kỳ 6 tháng sẽ được chuẩn bị với sự phối hợp chặt chẽ giữa WWF, Sở Công Thương và Ban quản lý dự án thúc đẩy/điều phối các đối tác dự án tham gia góp ý, phản hồi và xây dựng kế hoạch.
III. Theo dõi và đánh giá dự án
Để theo dõi tiến trình thực hiện và kết quả của dự án, báo cáo tiến độ hàng quý sẽ được Ban quản lý dự án cung cấp đến Sở Công thương và tổ chức WWF – Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Báo cáo đánh giá hoạt động dự án cuối năm 2013 (được xem như báo cáo đánh giá giữa kỳ) ngoài việc xem xét tiến trình hoạt động, tính phù hợp và hiệu quả của dự án, giải ngân vốn... còn là cơ hội để Ban quản lý dự án, Sở Công Thương và WWF cùng nhau rà soát và có thể có những điều chỉnh kế hoạch sao cho mang lại hiệu quả cao nhất, phù hợp với mục tiêu địa phương cũng như mong đợi của nhà tài trợ và WWF.
Vào cuối năm 2014, sẽ thực hiện báo cáo kết thúc dự án. Đây là dịp để các bên liên quan có cơ hội đánh giá lại hiệu quả của toàn bộ dự án, mức độ đạt được các kết quả dự kiến ban đầu, mục tiêu cụ thể và tổng thể; đánh giá về phương pháp tiếp cận, tính phù hợp, tính hiệu quả và bền vững về môi trường, kinh tế, xã hội... đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm và khuyến nghị cho giai đoạn tiếp theo.
* Chế độ báo cáo:
1. Đối với quy định của nhà nước
Thực hiện bào cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm, đánh giá giữa kỳ và kết thúc dự án theo biểu mẫu quy định tại Thông tư số 07/2010/TT-BKH ngày 30 tháng 3 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thi hành Nghị định 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho cơ quan chủ quản dự án.
2. Đối với nhà tài trợ
Theo quy định của nhà tài trợ DANIDA, dự án cần tuân thủ một số yêu cầu:
- Đối với các báo cáo kỹ thuật: sử dụng biểu mẫu của WWF vùng cho báo cáo 6 tháng theo chương trình của Việt Nam (31.01 đến 31.7) và chương trình của vùng (từ 29.02- 31.8)
- Báo cáo tiến độ chương trình DANIDA: Sử dung mẫu báo cáo của WWF Đan Mạch cho báo cáo tiến độ hằng năm
- Báo cáo tài chính: Các báo cáo tài chính theo quý sẽ được lập, bao gồm báo cáo kết thúc dự án, sử dụng mẫu của WWF Đan Mạch, có sự điều chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu DANIDA
+ Từ tháng 7-9 (quý 1)
+ Từ tháng 10-12 (quý 2)
+ Từ tháng 1-3 (quý 3)
+ Từ tháng 4-6 (quý 4)
Ngoài ra, đặc biệt với hợp phần CESEP “Nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch phát triển năng lượng bền vững”, yêu cầu báo cáo gồm những điểm phải thực hiện:
- Báo cáo kỹ thuật và tài chính được tiến hành và gửi nhà tài trợ vào ngày 15/12/2012
- Báo cáo kỹ thuật và tài chính kết thúc dự án được gửi muộn nhất vào 31/3/2013
IV. Tác động của dự án
Cộng đồng dân cư và doanh nghiệp (vừa và nhỏ) hưởng lợi trực tiếp thông qua việc áp dụng mô hình năng lượng tái tạo tại 02 huyện Nam Đông, Quãng Điền. Các mô hình chuyển đổi năng lượng bền vững được mong đợi sẽ góp phần vào việc giảm chí phí sử dụng năng lượng một cách có ý nghĩa ở cấp hộ gia đình và doanh nghiệp. Với sự thành công của các mô hình năng lượng bền vững thí điểm, thông qua chương trình truyền thông, quảng bá, các diễn đàn liên kết (nhà đầu tư công nghệ với doangh nghiệp, hộ gia đình), hy vọng sẽ mang đến những tác động rộng hơn ngoài khuôn khổ dự án khi người dân được chứng minh rõ ràng về hiệu quả kinh tế và môi trường mà các mô hình và dự án tạo ra.
Việc tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ của các cơ quan chính quyền, các tổ chức xã hội để phục vụ tốt hơn sự nghiệp phát triển năng lượng bền vững của tỉnh nhà. Các đối tượng này cũng được xem là bên hưởng lợi trực tiếp, khi kiến thức và kỹ năng của họ cải thiện, đồng nghĩa với sự hưởng lợi bởi các cơ quan chính quyền nói riêng và tỉnh nhà nói chung, trong sự nghiệp phát triển một nền năng lượng bền vững và hiệu quả của TT. Huế.
Đối với các tổ chức xã hội, với tinh thần của dự án là thúc đẩy vai trò và sự tham gia của họ vào tiến trình thực hiện dự án, hy vọng tiếng nói của các đơn vị này như một thực thể trung gian, độc lập, có vai trò tham gia đóng góp ý tưởng, các giải pháp kỹ thuật cũng như phản biện trong suốt tiến trình dự án. Với sự lớn mạnh của các tổ chức xã hội và đóng góp tích cực của nó vào tiến trình phát triển năng lượng xanh, đó sẽ là nguồn lực vô cùng cần thiết đối với sự nghiệp phát triển bền vững của tỉnh TT. Huế.
V. Rủi ro của dự án:
Dự án không được người dân và doanh nghiệp địa phương phối hợp thực hiện tốt. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ giảm thiểu carbon vào doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đảm bảo tính bền vững do nguồn lực hạn chế; ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn tài chính toàn cầu, rủi ro có thể đến từ việc chậm trễ giải ngân của nhà tài trợ dẫn đến chậm tiến độ dự án.
VI. Tính bền vững của dự án sau khi kết thúc
Trước hết, xét yếu tố nguồn lực con người của lực lượng cán bộ Sở Công Thương, các đơn vị trực thuộc và đối tác tham gia khác, một khi họ được tăng cường kỹ năng và kinh nghiệm thông qua triển khai thực hiện dự án, nó không bị mất đi mà sẽ được tích lũy nhiều hơn ở mỗi cán bộ, đồng thời kiến thức đó ngày càng tác động rộng hơn đến những người khác trong quá trình cùng làm việc.’
Ngoài ra, với việc hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh (thông qua hợp phần CESEP) đã cho thấy đây là cơ sở nền tảng hướng đến việc hợp tác lâu dài với tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như khu vực miền Trung với sự mong đợi rất lớn, cùng các bên đối tác thực thi các chương trình hành động cũng như xây dựng/điều chỉnh các chính sách để phát triển một nền kinh tế địa phương ‘sạch’, đảm bảo giảm thiểu phát thải khí carbon.
Quá trình lựa chọn mô hình năng lượng đưa vào áp dụng thực tiễn sẽ được WWF, Sở Công Thương và bên hưởng lợi phân tích kỹ và cân nhắc thật cẩn thận để đảm bảo đạt được mục tiêu của các bên như yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội, tính phù hợp của kỹ thuật. Công nghệ sử dụng cần được tính đến yếu tố bền vững. Nghĩa là, cần xem xét nhiều yếu tố sau khi dự án kết thúc, mô hình có được người dân và doanh nghiệp cân nhắc tự đầu tư hay không, nó có lợi gì; họ có đủ kinh phí đầu tư; yếu tố/loại hình sinh khối và khối lượng đảm bảo đủ sử dụng về lâu dài; sự lạc hậu của công nghệ do kỹ nghệ phát triển...
Hoạt động truyền thông với một loạt các diễn đàn, chiến dịch sự kiện truyền hình, phát thanh...sẽ bao gồm nội dung xây dựng hình ảnh tích cực về việc áp dụng mô hình năng lượng xanh/tái tạo, trong đó hướng sự tập trung vào các kết quả dự án thành công tại Nam Đông và Quãng Điền. Đóng góp vào việc tạo dựng niềm tin cộng đồng một cách thuyết phục. Đó chính là cơ sở để mở rộng tác động sau khi dự án kết thúc.
XIII. Khung logic, kế hoạch hoạt động và ngân sách dự án
1. Khung logic dự án
|
MÔ TẢ NỘI DUNG
|
CHỈ SỐ ĐẦU RA
|
PHƯƠNG THỨC KIỂM CHỨNG
|
MỤC TIÊU CHUNG
|
|
|
|
Góp phần vào phát triển và sử dụng/ quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong khi có thể nâng cao sinh kế cho người dân trong khu vực dân cư nghèo và sự công bằng trong vấn đề chia sẽ lợi ích và chi phí sử dụng tài nguyên thiên nhiên
|
- Sản xuất, thương mại và đầu tư các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các lĩnh vực chủ yếu trên địa bàn tiểu vùng Mê Kông sẽ được chuyển đổi theo hướng bền vững với những tác động kinh tế- xã hội và môi trường tích cực đến quá trình giảm nghèo bao gồm cả vấn đề chi phí hợp lý và chia sẻ lợi ích.
|
- Tiến độ chương trình, các báo cáo giữa kỳ, báo cáo kết thúc dự án
- Báo cáo của các đối tác chương trình
- Truyền thông đai chúng
|
MỤC TIÊU CỤ THỂ
|
|
|
|
Tăng cường tiếp cận và sử dụng các nguồn năng lượng bền vững tại địa phương, đóng góp vào quá trình phát triển ít phát thải khí carbon, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời nâng cao đời sống người dân tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
|
- Những cơ quan chủ chốt cấp tỉnh và các tổ chức xã hội dân sự thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân và cộng đồng tiếp cận và phát triển các nguồn năng lượng bền vững tại tỉnh Thừa Thiên Huế
- Về mặt kinh tế, những công nghệ năng lượng tái tạo dùng cho hoạt động sản xuất sẽ được nhân rộng thông qua các cơ sở tư nhân và hộ gia đình tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
|
- Chính sách của tỉnh, những kế hoạch thúc đẩy và sáng kiến khác nhau nhằm khuyến khích và/hoặc nhấn mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo.
- Những sáng kiến và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự giúp hỗ trơ và/hoặc nhấn mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo.
- Tài liệu hóa về việc mở rộng công nghệ năng lượng tái tạo giúp giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, cải thiện sinh tế, giảm chi phí về năng lượng, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
|
KẾT QUẢ ĐẦU RA
|
|
|
1.
|
Năng lực của các cơ qua cấp tỉnh, huyện và các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực năng lượng được cải thiện hơn, góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững có tính đến sự giao quyền/phân quyền, tạo ra một nền tảng phát triển trên cơ sở giảm thiểu phát thải carbon, sử dụng tài nguyên hiệu quả và nâng cao sinh kế cho người dân tỉnh TT.Huế
|
- Các cơ quan chủ chốt tỉnh, giới học thuật, các tổ chức và mạng lưới xã hội dân sự nâng cao kiến thức/hiểu biết về công nghệ, tiềm năng, ích lợi đối với việc phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh
- Ít nhất, sẽ có 01 kế hoạch thí điểm phát triển năng lượng bền vững tạo ra phát thải carbon thấp, cải thiện sinh kế cũng như sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, sẽ được thực hiện với sự tham gia của nhiều bên liên quan.
|
- Đánh giá nhu cầu đào tạo
- Báo cáo đánh giá khả năng sinh khối có sẳn
- Tài liệu hóa, biên bản họp, danh sách cán bộ tham dự họp...
- Kế hoạch thí điểm xây dựng mô hình năng lượng bền vững có sự trao quyền, bao gồm cả mục tiêu giảm thiểu khí hiệu ứng nhà kính, cải thiện sinh kế và sử dụng tài nguyên hiệu quả.
- Báo cáo và những khuyến nghị từ diễn đàn năng lượng bền vững
- Truyền thông đại chúng
- Các báo cáo tiến độ dự án, báo cáo đánh giá và hoàn thành dự án.
|
2.
|
Những công nghệ/kỹ thuật về năng lượng bền vững sẽ được nhận diện và đưa vào áp dụng, mở rộng đến các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình ở tỉnh Thừa thiên Huế có hiệu quả.
|
- WWF và đối tác dự án có được bức tranh chung về hiệu quả năng lượng hiện tại, các dự án, mô hình và công nghệ năng lượng tái tạo đang được thực hiện tại Huế và một số tỉnh khác; đồng thời hiểu được những khó khăn, thuận lợi cũng như tiềm năng mở rộng và khả năng thương mại hóa.
- Nâng cao nhận thức, đào tạo năng lực và các sáng kiến phát triển mạng lưới sẽ được thực hiện đối với doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình để họ hiểu hơn lợi ích của việc áp dụng công nghệ năng lượng bền vững vào sản xuất và những cơ hội tài chính tại tỉnh Thừa Thiên Huế
- Phát triển hoặc mở rộng 5-10 mô hình năng lượng bền vững thông qua doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình
|
- Báo cáo nghiên cứu hiệu quả năng lượng hiện hành, các dự án, mô hình và công nghệ năng lượng tái tạo tại Huế và một số tỉnh khác
- Báo cáo đánh giá thực trạng về nhận thức và khả năng của doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình
- Báo cáo đánh giá thực trạng và tài liều hóa về việc áp dụng, mở rộng công nghệ năng lượng tái tạo
- Tài liệu đề cập việc giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, cải thiện sinh kế/giảm chi phí về năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên
- Truyền thông đại chúng
- Báo cáo tiến, báo cáo đánh giá và kết thúc dự án.
|
Kế hoạch hoạt động
Ghi chú: Kế hoạch hoạt động và ngân sách có thể được điều chỉnh trong quá trình thực hiện để phù hợp với mục tiêu dự án cũng như nhu cầu địa phương
Vui lòng xem file Kế hoạch hoạt động đính kèm tại đây