Nghị định số 97/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.
  

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

 

Nghị định nêu rõ, đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí; hoặc hoạt động phát triển mỏ và khai thác dầu khí, bị phạt tiền ít nhất là 5 triệu, nhiều nhất là 1 tỷ đồng đối với các vi phạm như: kéo dài thời hạn của giai đoạn tìm kiếm, thăm dò khi cơ quan có thẩm quyền chưa cho phép, khoan ra ngoài diện tích hợp đồng dầu khí; giữ lại diện tích phát hiện khí có khả năng thương mại khi chưa được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại khu vực nhà nước tuyên bố cấm hoặc tạm thời cấm. Mức phạt nặng nhất trong lĩnh vực này là từ 900 triệu - 1 tỷ đồng đối với hành vi xâm phạm vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò dầu khí; hoặc có hoạt động phát triển mỏ và khai thác dầu khí. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính, nếu là người nước ngoài sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu, đối tượng vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu bị phạt 30 - 100 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu từ 1 - 3 tháng. Nếu vi phạm sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bị tẩy xóa, sửa chữa, cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, ngoài hình thức phạt tiền, đối tượng vi phạm sẽ bị tịch thu Giấy phép. Những hành vi vi phạm quy định về điều kiện sản xuất xăng dầu sẽ bị phạt từ 30 - 100 triệu đồng. Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng; mức phạt đối với đại lý bán lẻ xăng dầu vi phạm là từ 5 - 20 triệu đồng và của cửa hàng bán lẻ xăng dầu là từ 3 - 30 triệu đồng…

Nghị định cũng nêu rõ, mức phạt 5 - 10 triệu đồng nếu không niêm yết hoặc niêm yết không đúng giá bán lẻ xăng dầu; niêm yết giá không đúng giá do thương nhân đầu mối quy định, bán không đúng giá niêm yết. Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh xăng dầu còn bị buộc nộp lại ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp đó, bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu… Nghị định cũng quy định các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.

Nghị định này thay thế các Nghị định số 145/2006/NĐ-CP, ngày 30/11/2006; Nghị định số 104/2011/NĐ-CP, ngày 15/11/2011; Nghị định số 105/2011/NĐ-CP, ngày 15/11/2011 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 10/10/2013.

  Nguồn tin: Chinhphu.vn - KTAT

 

 

 Bản in]

Liên kết công vụ