Trong tháng 10/2016, do kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của một số mặt hàng như sản phẩm may mặc, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản,… giảm so với thực hiện tháng 9/2016 nên tổng KNXK hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong tháng 10/2016 giảm 1,32% so với tháng trước, ước đạt 60,60 triệu USD, tuy nhiên tăng 0,08% so với cùng kỳ năm 2015. Lũy kế KNXK 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 570,23 triệu USD, tăng 6,96% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 76,03% kế hoạch năm 2016; trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 237,59 triệu USD, tăng 5,08%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 332,64 triệu USD, tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 10 tháng đầu năm 2016, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều có KNXK tăng so với cùng kỳ năm 2015, ngoại trừ mặt hàng khoáng sản, cụ thể:
- Sản phẩm may mặc ước đạt 361,47 triệu USD, tăng 8,11%, chiếm 63,39% tổng KNXK và đạt 78,24% kế hoạch.
- Xơ, sợi dệt ước đạt 94,45 triệu USD, tăng 14,93%, chiếm 16,56% tổng KNXK và đạt 71,55% kế hoạch.
- Gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 64,28 triệu USD, tăng 0,73%, chiếm 11,27% tổng KNXK và đạt 83,48% kế hoạch.
- Thủy sản ước đạt 38,07 triệu USD, tăng 23,07%, chiếm 6,68% tổng KNXK và đạt 80,99% kế hoạch.
- Bia Huda ước đạt 6,48 triệu USD, tăng 102,41%, chiếm 1,14% tổng KNXK và đạt 200,26% kế hoạch.
- Bao bì xi măng ước đạt 1,41 triệu USD, tăng 154,72%, chiếm 0,20% tổng KNXK và đạt 22,82% kế hoạch.
- Khoáng sản ước đạt 1,02 triệu USD, giảm 86,84%, chiếm 0,18% tổng KNXK và đạt 11,32% kế hoạch.
Thị trường xuất khẩu
Các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh công tác thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. Kết quả trong tháng 10/2016, có nhiều đối tác nhập khẩu, thị trường xuất khẩu mới của các doanh nghiệp tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Đức,…
Trong 10 tháng đầu năm 2016, KNXK sang nhiều thị trường có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2015 như: EU tăng 74,59%; Trung Quốc tăng 19,51%; các nước ASEAN tăng 9,96%; Hàn Quốc tăng 20,08%; Hoa Kỳ tăng 17,67%,…
Tuy nhiên, bên cạnh đó KNXK sang một số thị trường giảm sút so với cùng kỳ năm 2015 như Nhật Bản giảm 10,23% do xuất khẩu sản phẩm may mặc và dăm gỗ giảm; Thỗ Nhĩ Kỳ giảm 23,61% do nhu cầu nhập khẩu xơ, sợi dệt của thị trường này thấp;…
Nhập khẩu:
Tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) trong tháng 10/2016 ước đạt 36,81 triệu USD, giảm 13,63% so với tháng trước và tăng 6,37% so với cùng kỳ năm 2015; đưa tổng KNNK 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 381,70 triệu USD, tăng 18,18% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 76,34% kế hoạch năm 2016; trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 163,41 triệu USD, tăng 16,20%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 218,29 triệu USD, tăng 19,71% so với cùng kỳ năm 2015.
Do nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị để xây dựng nhà xưởng và nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, kinh doanh xuất khẩu nên KNNK 10 tháng đầu năm 2016 tăng cao so với cùng kỳ năm 2015, trong đó KNNK hàng thủy sản ước đạt 5,14 triệu USD, tăng 102,98%; máy móc thiết bị phụ tùng khác ước đạt 74,35 triệu USD, tăng 475,68%; linh kiện và phụ tùng ô tô các loại ước đạt 6,89 triệu USD, tăng 136,52%; nguyên vật liệu sản xuất bia ước đạt 7,69 triệu USD, tăng 61,08%; nguyên vật liệu dệt may ước đạt 258,10 triệu USD, giảm 7,93%; thạch cao ước đạt 5,93 triệu USD, giảm 30,61% so với cùng kỳ năm 2015,…
Thị trường nhập khẩu
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên phụ liệu sản xuất, tránh hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường nhập khẩu nhất định, nên 10 tháng đầu năm 2016 các doanh nghiệp có thêm nhiều thị trường nhập khẩu mới như Australia, Mê hi cô, Bolivia, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Ma cao, Nam Phi, Dăm bi a,…Đến nay, các mặt hàng nhập khẩu của tỉnh có xuất xứ từ hơn 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó châu Á vẫn là thị trường nhập khẩu chính của các doanh nghiệp (chiếm 77,66% tổng KNNK), tăng 9,23% so với cùng kỳ năm 2015, với các mặt hàng từ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất như nguyên vật liệu dệt may, linh kiện và phụ tùng ô tô, thạch cao, hàng thủy sản, sản phẩm hóa chất,… đến máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác,…tiếp đến là thị trường Châu Phi chiếm 9,84%, tăng 22,69%; Châu Mỹ chiếm 6,61%, tăng 208,74%; EU chiếm 5,83% tổng KNNK, tăng 73,63%.