Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công
  
Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến công. Theo đó, hoạt động khuyến công thời gian qua ở nước ta đã được nâng cao cả về chất và lượng, góp sức đáng kể phát triển công nghiệp nông thôn.

Hội nghị do  Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì; tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cùng đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Công Thương; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố; lãnh đạo Sở Công Thương và đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ khuyến công các tỉnh/thành phố trên cả nước và một số cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến công được Chính phủ ban hành ngày 21/5/2012, quy định các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Ngay sau khi Nghị định được ban hành, hoạt động khuyến công nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp, công tác chỉ đạo triển khai hướng dẫn thực hiện mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Theo Báo cáo Kết quả công tác khuyến công trong 10 năm triển khai Nghị định, thời gian qua,  đã huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới; Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu; giảm thiểu phát thải, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường; đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất sản xuất công nghiệp nông thôn bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến công ở Trung ương và địa phương cũng còn một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần tập trung khắc phục như: Công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với các hoạt động khuyến công đã được tăng cường, tuy nhiên công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các đơn vị liên quan ở một số địa phương trong công tác này chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả.

Một số địa phương đang tổ chức lại bộ máy đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ khuyến công thuộc Sở Công Thương theo hướng sáp nhập về đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh, dẫn đến sự không thống nhất về mô hình hoạt động, cách thức quản lý chương trình, triển khai nhiệm vụ chính trị có tính đặc thù đã được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về khuyến công. Nguồn lực để thực hiện Chương trình khuyến công tuy đã được quan tâm bố trí nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong đầu tư, phát triển sản xuất tại địa phương; bên cạnh đó, phần kinh phí khuyến công mà cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ phải tính thuế thu nhập doanh nghiệp, làm giảm sức hấp dẫn của chương trình…

Tại Hội nghị tổng kết, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức, hiệp hội, cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã phát biểu, tham luận làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đồng thời có những đề xuất, kiến nghị các nội dung cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ để phù hợp với tình hình mới; đặc biệt đề xuất các nhiệm vụ phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước các cấp với các tổ chức, hiệp hội và các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chính sách khuyến công trong thời gian tới.

          Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã phân tích, đánh giá những kết quả nổi bật của công tác khuyến công trong 10 năm qua, đó là: Đã động viên, huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN và các dịch vụ khuyến công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, đã ban hành được cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở SXCN, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu, giảm thiểu phát thải, cải thiện chất lượng môi trường; Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ KHKT, trang thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn bền vững, đồng thời giúp cho các cơ sở SXCN nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia có hiệu quả vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; Khung pháp lý về hoạt động khuyến công từng bước được hoàn thiện; Hệ thống tổ chức thực hiện công tác khuyến công từ Trung ương tới địa phương được thiết lập và hoạt động ngày càng có hiệu quả, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan QLNN về công thương với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Bộ trưởng khẳng định, sau Hội nghị này, với trách nhiệm là Cơ quan được giao chủ trì tổng kết Nghị định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, đơn vị liên quan để báo cáo đề xuất Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình mới. Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự tham gia, đóng góp ý kiến tích cực từ các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, tổ chức, đơn vị liên quan để nghiên cứu, hoàn thiện những cơ chế chính sách về khuyến công, khuyến thương trong thời gian tới.

NTD
Phong QLCN
 Bản in]

Liên kết công vụ