Cạnh tranh
  
Cập nhật:29/03/2016 4:59:56 CH

            Điều 11.1: Các mục tiêu

Các Bên ghi nhận tầm quan trọng của cạnh tranh không bị bóp méo trong quan hệ thương mại giữa các Bên. Các Bên nhận thức rằng việc cấm các hành vi phản cạnh tranh của doanh nghiệp, thực thi luật và chính sách cạnh tranh, và hợp tác về các vấn đề cạnh tranh sẽ góp phần vào việc phòng ngừa những lợi ích của tự do hóa bị tổn hại và nhằm thúc đẩy hiệu quả kinh tế cũng như phúc lợi của người tiêu dùng.

Điều 11.2: Các nguyên tắc thực thi luật

1. Mỗi Bên cần phải áp dụng hoặc duy trì pháp luật cạnh tranh toàn diện nhằm thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường bằng việc cấm các hành vi phản cạnh tranh, và cần phải thực hiện các hành động thích đáng đối với các hành vi phản cạnh tranh nhằm mục tiêu thúc đẩy hiệu quả kinh tế và phúc lợi người tiêu dùng.

2. Mỗi Bên cần phải duy trì một hoặc nhiều cơ quan có trách nhiệm thực thi pháp luật cạnh tranh của Bên đó.

3. Việc thực thi pháp luật cạnh tranh của một Bên cần phải phù hợp với các nguyên tắc minh bạch, kịp thời, không phân biệt đối xử và công bằng trong trình tự, thủ tục.

Điều 11.3: Thực hiện

1. Các Bên công nhận giá trị của việc thực thi pháp luật cạnh tranh của mỗi nước một cách càng minh bạch càng tốt và sẽ nỗ lực công bố hoặc cho công chúng có thể tiếp cận được các luật và quy định điều chỉnh về cạnh tranh công bằng, bao gồm thông tin về bất kỳ miễn trừ nào được áp dụng theo các luật và quy định đó.

2. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng bất kỳ trường hợp miễn trừ nào được áp dụng theo pháp luật cạnh tranh cần minh bạch và được thực hiện trên cơ sở chính sách công hoặc lợi ích công.

3. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng tất cả các quyết định chính thức của cơ quan cạnh tranh khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh cần phải được thể hiện bằng hình thức văn bản và đưa ra mọi kết luận có liên quan cùng với việc phân tích lý do và cơ sở pháp lý để ban hành quyết định. Mỗi Bên phải đảm bảo thêm rằng quyết định cần được thông báo cho những người có liên quan. Bản quyết định có thể không chứa thông tin thuộc bí mật kinh doanh được pháp luật trong nước bảo hộ không công bố.

4. Theo yêu cầu của Bên kia, một Bên phải cung cấp cho Bên yêu cầu những thông tin được công bố về chính sách và thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh của mình.

5. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng một người là đối tượng bị điều tra có cơ hội được lắng nghe và trình bày chứng cứ tại một phiên điều trần. Mỗi Bên cũng phải cho phép một người là đối tượng bị áp dụng biện pháp trừng phạt hoặc khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh có cơ hội được khiếu nại về biện pháp trừng phạt hoặc khắc phục hậu quả thông qua rà soát hành chính và tư pháp phù hợp với pháp luật cạnh tranh.

Điều 11.4: Áp dụng pháp luật cạnh tranh

1. Tất cả các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh tế, bất kể hình thức sở hữu là nhà nước hoặc tư nhân, đều phải thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh được dẫn chiếu tại Điều 11.2, trong phạm vi việc áp dụng các quy định đó không cản trở việc thực hiện theo luật hoặc trên thực tế các nhiệm vụ công ích cụ thể mà họ được giao.

2. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành và lĩnh vực độc quyền nhà nước không được thực hiện hoặc duy trì bất kỳ hành vi phản cạnh tranh nào được quy định trong pháp luật cạnh tranh.

Điều 11.5: Hợp tác

1. Các Bên công nhận tầm quan trọng của việc hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan cạnh tranh tương ứng trong việc thúc đẩy sự thực thi có hiệu quả pháp luật cạnh tranh và thi hành các mục tiêu của Hiệp định này. Các Bên nhất trí sẽ hợp tác theo một cách thức phù hợp với luật, quy định và các lợi ích quan trọng của mình, và trong khuôn khổ các nguồn lực sẵn có hợp lý.

2. Mỗi Bên, thông qua cơ quan cạnh tranh của mình, phải thông báo kịp thời cho cơ quan cạnh tranh Bên kia hoạt động thực thi liên quan đến các hành vi phản cạnh tranh khi cơ quan cạnh tranh của một Bên lưu ý rằng lợi ích quan trọng của Bên kia có thể bị ảnh hưởng, với điều kiện rằng điều này không trái với pháp luật cạnh tranh của mỗi bên và không ảnh hưởng đến bất kỳ một cuộc điều tra nào đang được tiến hành.

3. Cơ quan cạnh tranh một Bên có thể đề nghị phối hợp với cơ quan cạnh tranh Bên kia về một vụ việc cụ thể, khi các lợi ích quan trọng của bên đề nghị bị ảnh hưởng đáng kể. Yêu cầu này không làm phương hại đến quyền tự do đầy đủ về quyết định cuối cùng của cơ quan cạnh tranh có liên quan. Bên kia cần xem xét một cách thỏa đáng đối với yêu cầu đó, nếu phù hợp và tuân thủ pháp luật cạnh tranh.

Điều 11.6: Trao đổi thông tin

Cơ quan cạnh tranh một Bên, theo yêu cầu của cơ quan cạnh tranh Bên kia, phải nỗ lực cung cấp các thông tin sẵn có để tạo thuận lợi cho việc thực thi có hiệu quả pháp luật cạnh tranh với điều kiện rằng đó không phải các thông tin mật.

Điều 11.7: Bảo mật thông tin

1. Mỗi Bên phải duy trì việc bảo mật mọi thông tin được cung cấp bí mật từ cơ quan cạnh tranh Bên kia.

2. Cơ quan cạnh tranh một Bên không được tiết lộ các thông tin đó cho bất kỳ thực thể nào không được sự chấp thuận của cơ quan cạnh tranh Bên cung cấp thông tin.

Điều 11.8: Tham vấn

1. Để tăng cường sự hiểu biết giữa các Bên hoặc nhằm xử lý các vấn đề cụ thể phát sinh từ Hiệp định này mà không làm phương hại đến sự tự chủ của mỗi Bên trong việc phát triển, duy trì và thực thi pháp luật và chính sách cạnh tranh, khi có yêu cầu của Bên kia, một Bên phải, tham gia tham vấn về những vấn đề do Bên yêu cầu đưa ra. Trong yêu cầu của mình, Bên đó phải nêu ra, nếu phù hợp, lý do vì sao vấn đề đó ảnh hưởng đến thương mại hoặc đầu tư giữa các Bên.

2. Bên được yêu cầu tham gia cần phải xem xét thỏa đáng các quan ngại của Bên kia.

Điều 11.9: Hỗ trợ kỹ thuật

Các Bên có thể tham gia các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực cạnh tranh tùy thuộc vào các nguồn lực sẵn có hợp lý, bao gồm:

(a) trao đổi kinh nghiệm về thúc đẩy và thực thi luật và chính sách cạnh tranh;

(b) trao đổi các thông tin được công khai về luật và chính sách cạnh tranh;

(c) trao đổi cán bộ để đào tạo;

(d) trao đổi chuyên gia và tư vấn về luật và chính sách cạnh tranh;

(e) tham gia của các cán bộ với tư cách là giảng viên, tư vấn, hoặc người dự tại các khóa đào tạo về luật và chính sách cạnh tranh;

(f) tham gia của các bộ trong các chương trình phổ biến, tuyên truyền;

(g) trao đổi thông tin và kinh nghiệm về các hoạt động liên quan đến tuyên truyền, phổ biến về cạnh tranh và thúc đẩy văn hóa cạnh tranh; và

(h) bất kỳ hình thức hợp tác kỹ thuật nào mà các Bên thống nhất.

Điều 11.10: Giải quyết tranh chấp

Các điều khoản của Chương 15 (Giải quyết tranh chấp) không áp dụng đối với bất kỳ vấn đề nào phát sinh theo Chương này.

Điều 11.11: Định nghĩa

Đối với Chương này:

cơ quan cạnh tranh nghĩa là:

(a) đối với Việt Nam: Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam và Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam; và

(b) đối với Hàn Quốc: Ủy ban thương mại công bằng Hàn Quốc;

hoặc các cơ quan kế nhiệm tương ứng; và

pháp luật cạnh tranh nghĩa là:

(a) đối với Việt Nam, Luật cạnh tranh Việt Nam và các quy định hướng dẫn thi hành;

(b) đối với Hàn Quốc: Luật quy định về độc quyền và thương mại công bằng và các quy định hướng dẫn thi hành; và

(c) bất kỳ sự sửa đổi nào đối với các văn bản pháp luật nêu trên có thể được ban hành sau khi Hiệp định này có hiệu lực.

 

 Bản in]

Liên kết công vụ