Đối xử quốc gia và tiếp cận thị trường hàng hóa
  
Cập nhật:29/03/2016 4:59:56 CH

 Điều 2.1: Phạm vi

Trừ trường hợp được quy định khác trong Hiệp định, Chương này sẽ áp dụng đối với thương mại hàng hóa giữa các Bên.

Phần A: Đối xử quốc gia

Điều 2.2: Đối xử quốc gia đối với quy định và thuế nội địa

Mỗi Bên sẽ phải dành sự đối xử quốc gia đối với hàng hóa của Bên kia phù hợp với Điều III của GATT 1994, bao gồm cả các chú thích diễn giải. Với mục đích này, Điều III của GATT 1994 và các chú thích diễn giải được đưa vào và trở thành một phần của Hiệp định, với những điều chỉnh phù hợp.

Phần B: Cắt giảm hoặc Xóa bỏ Thuế hải quan

Điều 2.3: Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế hải quan

1. Trừ trường hợp được quy định khác trong Hiệp định, mỗi Bên sẽ phải cắt giảm dần hoặc xóa bỏ thuế hải quan của mình đối với hàng hóa có xuất xứ dựa theo Biểu cam kết tại Phụ lục 2-A.

2. Khi có đề nghị của một Bên, các Bên phải tham vấn để xem xét việc đẩy nhanh việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan quy định trong Biểu cam kết tại Phụ lục 2-A. Thỏa thuận của các Bên nhằm đẩy nhanh cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với một mặt hàng sẽ thay thế cho bất kỳ mức thuế hay lộ trình được xác định trong Biểu cam kết tại Phụ lục 2-A đối với mặt hàng đó khi được mỗi Bên chấp thuận dựa theo các thủ tục pháp lý có thể áp dụng của mỗi Bên.

3. Một Bên có thể đơn phương đẩy nhanh việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan quy định trong Biểu thuế tại Phụ lục 2-A vào bất cứ lúc nào nếu như Bên đó có ý định sửa đổi Biểu thuế tại Phụ lục 2-A. Bên đó cần phải nhanh chóng thông báo cho Bên kia thông qua công hàm ngoại giao sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết trong nước để các sửa đổi có hiệu lực. Những sửa đổi như vậy sẽ có hiệu lực kể từ ngày được quy định trong công hàm ngoại giao, hoặc trong bất cứ trường hợp nào, trong vòng 90 ngày kể từ khi có thông báo. Bất cứ sự nhượng bộ nào của một Bên trong việc đơn phương đẩy nhanh việc cắt giảm hoặc xóa bỏ như vậy sẽ không thể được rút lại.

4. Nếu bất cứ khi nào một Bên giảm mức thuế suất tối huệ quốc đã được áp dụng của mình (kể từ đây gọi tắt là “MFN”) sau ngày có hiệu lực của Hiệp định này, mức thuế suất đó sẽ được áp dụng đối với hoạt động thương mại thuộc Hiệp định này nếu như và miễn là mức thuế suất đó thấp hơn mức thuế suất được tính toán dựa theo Biểu thuế tại Phụ lục 2-A.

Điều 2.4: Giữ nguyên trạng

Trừ trường hợp được quy định khác trong Hiệp định, không Bên nào được tăng bất cứ mức thuế hải quan nào đã được xác định trong Biểu thuế của Bên đó tại Phụ lục 2-A, hoặc áp dụng bất kỳ loại thuế hải quan mới nào, đối với một mặt hàng có xuất xứ của Bên kia. Tuy nhiên, không loại trừ việc một Bên có thể:

(a) tăng mức thuế hải quan đối với một mặt hàng có xuất xứ của Bên kia mà trước đó đã được giảm một cách đơn phương không theo quy định, tại đoạn 2 hay 3 của Điều 2.3 lên mức thấp hơn so với mức quy định trong Biểu thuế của Bên đó tại Phụ lục 2-A hoặc mức quy định tại đoạn 2 hoặc 3 của Điều 2.3; hoặc

(b) duy trì hoặc tăng mức thuế hải quan dưới sự cho phép của Cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO.

Phần C: Cơ chế đặc biệt

Điều 2.5: Tạm nhập hàng hóa

1. Mỗi Bên sẽ cho phép tạm nhập miễn thuế đối với các loại hàng hóa sau đây được nhập khẩu vào lãnh thổ của một Bên với mục đích cụ thể và nhằm tái xuất trong một khoảng thời gian cụ thể và không có sự thay đổi nào đối với hàng hóa ngoại trừ sự khấu hao thông thường trong quá trình sử dụng, đồng thời đáp ứng tất cả các quy định của Điều này, bất kể nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa:

(a) thiết bị chuyên nghiệp, bao gồm thiết bị dành cho báo chí, truyền hình, phần mềm, và thiết bị phát thanh và điện ảnh, cần thiết để tiến hành hoạt động kinh doanh hay tác nghiệp của một cá nhân đủ điều kiện nhập cảnh theo luật của Bên nhập khẩu;

(b) hàng hóa với mục đích trưng bày hoặc trình diễn;

(c) hàng mẫu thương mại và tài liệu quảng cáo; và

(d) hàng hóa được nhập có mục đích thể thao.

2. Khi có đề nghị của cá nhân có liên quan và với các lý do mà cơ quan hải quan thấy phù hợp, mỗi Bên sẽ gia hạn thời gian tối đa tạm nhập hàng hóa vượt qua thời hạn được xác định ban đầu phù hợp với luật và quy định trong nước của Bên đó.

3. Không Bên nào được áp đặt điều kiện đối với việc tạm nhập miễn thuế hàng hóa được nêu tại đoạn 1, trừ khi nhằm yêu cầu hàng hóa đó:

(a) chỉ được sử dụng bởi hoặc dưới sự giám sát cá nhân của một công dân hoặc cư dân của Bên kia trong quá trình tiến hành hoạt động kinh doanh, tác nghiệp, hoặc hoạt động thể thao của cá nhân đó;

(b) không được bán hoặc cho thuê khi còn ở trong lãnh thổ của Bên đó;

(c) phải kèm theo một khoản đặt cọc với số tiền không vượt quá mức phí mà hàng hóa đó đáng lẽ bị thu khi tạm nhập hoặc nhập khẩu và khoản này có thể được hoàn lại khi hàng hóa được xuất đi;

(d) có thể được nhận diện khi xuất đi;

(e) được xuất đi cùng với sự xuất cảnh của cá nhân được nêu tại điểm (a), hoặc trong khoảng thời gian khác liên quan tới mục đích của việc tạm nhập mà Bên đó có thể quy định;

(f) được nhập khẩu với lượng không lớn hơn so với lượng hợp lý cho mục đích sử dụng; và

(g) đáng lẽ ra được nhập khẩu vào lãnh thổ theo các luật và quy định của Bên đó.

4. Nếu bất cứ điều kiện nào mà một Bên áp dụng tại khoản 3 không được đáp ứng, Bên đó có thể áp dụng thuế quan và bất cứ khoản phí nào khác mà thông thường được thu đối với hàng hóa đó cộng với bất cứ khoản phí hoặc mức phạt nào được quy định tại luật và quy định trong nước của Bên đó.

5. Mỗi Bên sẽ nỗ lực áp dụng và duy trì các thủ tục quy định việc giải phóng nhanh chóng cho hàng hóa nhập theo Điều này. Trong phạm vi cho phép, những thủ tục đó cần phải quy định rằng khi một mặt hàng đi cùng với một công dân hoặc cư dân của Bên kia, là người đang xin nhập cảnh, thì hàng hóa đó sẽ được giải phóng đồng thời với việc nhập cảnh của công dân hoặc cư dân đó.

6. Mỗi Bên sẽ cho phép hàng hóa được tạm nhập theo Điều này được xuất khẩu thông qua một cửa khẩu hải quan khác với cửa khẩu mà hàng hóa được nhập khẩu.

7. Căn cứ theo những quy định và luật trong nước, mỗi Bên sẽ quy định rằng nhà nhập khẩu hay cá nhân khác có trách nhiệm đối với hàng hóa được tạm nhập theo Điều này sẽ không phải chịu trách nhiệm khi không thể xuất được hàng hóa đó đi khi đã đưa ra bằng chứng thỏa đáng trước Bên nhập khẩu rằng hàng hóa đó đã bị tiêu hủy trong khoảng thời gian tạm nhập được ấn định từ ban đầu hoặc bất cứ khoảng thời gian gia hạn hợp lệ nào.

8. Căn cứ các Chương 8 (Thương mại Dịch vụ) và 9 (Đầu tư):

(a) mỗi Bên sẽ cho phép một công-ten-nơ sử dụng trong giao thông quốc tế đi vào lãnh thổ của Bên đó từ lãnh thổ của Bên kia được ra khỏi lãnh thổ của mình thông qua bất kỳ tuyến đường nào hợp lý về mặt kinh tế và thời gian liên quan tới việc xuất cảnh của công-ten-nơ đó[2];

(b) không Bên nào được yêu cầu bất cứ khoản đặt cọc hay áp dụng việc xử phạt hoặc thu phí chỉ vì lý do liên quan tới sự khác biệt giữa cửa khẩu nhập khẩu và cửa khẩu xuất khẩu của công-ten-nơ;

(c) không Bên nào có thể áp đặt điều kiện để giải phóng bất kỳ nghĩa vụ nào, bao gồm bất cứ khoản đặt cọc nào, mà Bên đó áp dụng liên quan tới việc nhập khẩu của công-ten-nơ vào lãnh thổ của Bên đó, đối với việc xuất khẩu của công-ten-nơ đó thông qua bất cứ cửa khẩu nào; và

(d) không Bên nào có thể yêu cầu rằng xe tải chở công-ten-nơ từ lãnh thổ của Bên kia vào lãnh thổ của mình phải chính là phương tiện chở công-ten-nơ tới lãnh thổ của Bên kia.

Điều 2.6: Hàng hóa tái nhập sau khi đã sửa chữa hoặc thay thế

1. Căn cứ theo các quy định và luật trong nước của mỗi Bên, không Bên nào có thể áp dụng một loại thuế hải quan đối với một mặt hàng, bất kể nguồn gốc xuất xứ, khi tái nhập vào lãnh thổ của mình sau khi hàng hóa đó đã được tạm xuất từ lãnh thổ của Bên đó tới lãnh thổ của Bên kia để sửa chữa hoặc thay thế, bất kể việc sửa chữa hoặc thay thế đó:

(a) có thể được thực hiện trong lãnh thổ của Bên mà hàng hóa được xuất khẩu ra để sửa chữa hoặc thay thế; hoặc

(b) làm gia tăng giá trị của hàng hóa.

2. Phù hợp với luật và các quy định trong nước của mỗi Bên, không Bên nào có thể áp dụng một loại thuế hải quan đối với một hàng hóa, bất kể nguồn gốc xuất xứ, được tạm nhập từ lãnh thổ của Bên kia để sửa chữa hoặc thay thế.

3. Đối với Điều này, “sửa chữa hoặc thay thế” không bao gồm một hoạt động hoặc quá trình mà:

(a) phá bỏ các đặc tính của một hàng hóa hoặc tạo ra một hàng hóa mới hay khác biệt về mặt thương mại; hoặc

(b) biến một hàng hóa chưa hoàn thiện thành một hàng hóa hoàn thiện.

Điều 2.7: Nhập khẩu miễn thuế hàng mẫu thương mại có giá trị không đáng kể và tài liệu in ấn quảng cáo

Mỗi Bên sẽ cho phép nhập khẩu miễn thuế đối với hàng mẫu thương mại có giá trị không đáng kể, và với tài liệu in ấn quảng cáo phù hợp với luật và các quy định trong nước, được nhập khẩu từ lãnh thổ của Bên kia, bất kể nguồn gốc xuất xứ, nhưng có thể yêu cầu:

(a) hàng mẫu được nhập khẩu chỉ nhằm để thu hút đơn đặt hàng sản phẩm, hoặc dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ của Bên kia hoặc Bên không ký kết; hoặc

(b) tài liệu quảng cáo được nhập khẩu trong gói mà mỗi gói chứa không quá một bản sao của mỗi tài liệu và cả các tài liệu và các gói không phải  một phần của một kiện hàng lớn hơn.

Phần D: Các biện pháp phi thuế

Điều 2.8: Các biện pháp hạn chế xuất nhập khẩu

1. Trừ trường hợp có quy định khác trong Hiệp định, không Bên nào có thể duy trì bất kỳ biện pháp cấm hoặc hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa của Bên kia hay việc xuất khẩu bất cứ hànghóa nào vào lãnh thổ của Bên kia, trừ những trường hợp phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của mình trong WTO. Để đảm bảo điều này, Điều XI của GATT 1994 cùng với những chú thích diễn giải liên quan được gắn với và  một bộ phận của Hiệp định này, với những điều chỉnh phù hợp.

2. Các Bên hiểu rằng các quyền và nghĩa vụ trong GATT 1994 bao gồm bởi đoạn 1 cấm một Bên, trong bất cứ hoàn cảnh nào mà ở đó các biện pháp hạn chế khác bị cấm, được phép áp dụng hoặc duy trì:

(a) các yêu cầu về giá xuất khẩu và nhập khẩu, trừ khi được cho phép trong quá trình thực thi các lệnh hoặc biện pháp về áp thuế đối kháng hoặc thuế chống bán phá giá;

(b) việc cấp phép nhập khẩu với điều kiện đáp ứng được yêu cầu hoạt động; hoặc

(c) biện pháp hạn chế xuất khẩu tự nguyện không phù hợp với Điều VI của GATT 1994, như được thực hiện theo Điều 18 của Hiệp định SCM và Điều 8.1 của Hiệp định Chống bán phá giá.

3. Trong trường hợp một Bên, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ trong WTO của mình, áp dụng hay duy trì một biện pháp cấm hoặc hạn chế đối với việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu một hàng hóatừ/tới một Bên không ký kết, không có điều khoản nào của Hiệp định này được hiểu là ngăn cấm Bên đó không được:

(a) hạn chế hay cấm việc nhập khẩu hàng hóa của Bên thứ ba từ lãnh thổ của Bên kia; hoặc

(b) yêu cầu như một điều kiện để xuất khẩu hàng hóa của Bên đó tới lãnh thổ của Bên kia, rằng hàng hóa đó không được tái xuất tới Bên thứ ba, trực tiếp hoặc gián tiếp, mà không được tiêu thụ trên lãnh thổ của Bên kia.

4. Trong trường hợp một Bên, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của mình trong WTO, áp dụng hay duy trì một biện pháp cấm hoặc hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa của một Bên thứ ba, các Bên, theo đề nghị của một trong hai Bên, sẽ phải tham vấn với quan điểm tránh những sự can thiệp quá mức hoặc việc làm méo mó đối với các hoạt động về định giá, marketing hoặc phân phối trong lãnh thổ của Bên kia.

5. Không Bên nào có thể yêu cầu, như là một điều kiện để tham gia vào việc nhập khẩu hoặc để nhập khẩu một mặt hàng, một cá nhân của Bên kia phải thiết lập hoặc duy trì một quan hệ hợp đồng hoặc quan hệ khác với một nhà phân phối trong lãnh thổ của mình.

6. Để chắc chắn hơn, đoạn 5 không ngăn cấm một Bên có quyền yêu cầu cá nhân đề cập trong đoạn đó phải chỉ định một đại lý với mục đích tạo thuận lợi cho việc liên hệ giữa các cơ quan thẩm quyền của Bên đó với cá nhân trên.

7. Đối với đoạn 5, nhà phân phối có nghĩa là một cá nhân của một Bên có trách nhiệm đối với việc phân phối thương mại, làm đại lý, nhượng bộ, hay đại diện trong lãnh thổ của Bên đó đối với hàng hóa của Bên kia.

Điều 2.9: Thủ tục cấp phép nhập khẩu

1. Không Bên nào có thể áp dụng hoặc duy trì một biện pháp không phù hợp với Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu.[3]

2. (a) Trong vòng 30 ngày sau khi Hiệp định này đi vào hiệu lực, mỗi Bên cần thông báo cho Bên kia về các thủ tục cấp phép nhập khẩu hiện tại nếu có. Thông báo cần:

(i) bao gồm những thông tin được nêu cụ thể trong Điều 5 của Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu; và

(ii) không bao gồm định kiến đối với việc liệu thủ tục cấp phép nhập khẩu có phù hợp với Hiệp định này.

(b) Trước khi áp dụng bất cứ thủ tục cấp phép nhập khẩu mới hay sửa đổi, một Bên cần phải đăng công báo về thủ tục mới hoặc sửa đổi trên một trang web chính thức của Chính phủ. Trong chừng mực có thể, Bên đó sẽ phải tiến hành việc này ít nhất 20 ngày trước khi thủ tục mới hoặc sửa đổi có hiệu lực.

Điều 2.10: Các thủ tục và phí hành chính

Mỗi Bên cần phải đảm bảo rằng các phí và lệ phí được thu liên quan tới việc nhập khẩu và xuất khẩu phải phù hợp với các nghĩa vụ của các Bên theo Điều VIII:1 của GATT 1994 cùng với các chú thích diễn giải liên quan, mà theo đây được gắn với và trở thành một phần của Hiệp định này,với những điều chỉnh phù hợp.

Điều 2.11. Các biện pháp phi thuế liên quan tới thương mại

Mỗi Bên cần phải đảm bảo sự minh bạch của các biện pháp phi thuế có ảnh hưởng với thương mại giữa các Bên và bất cứ biện pháp nào như vậy cũng không được xây dựng, lựa chọn hay áp dụng với quan điểm hay tác dụng tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại giữa các Bên.

Điều 2.12: Quản lý và thực hiện hạn ngạch thuế quan

1. Khi một Bên thiết lập hạn ngạch thuế quan (sau đây được gọi tắt là “HNTQ”) được quy định trong Phụ lục 2-A-1 thì sẽ phải thực hiện và quản lý các HNTQ này phù hợp với Điều XIII của GATT 1994 và, để chắc chắn hơn, kể cả các chú thích diễn giải, và Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu, cùng bất cứ Hiệp định có liên quan nào của WTO.

2. Một Bên cần phải đảm bảo rằng các biện pháp quản lý và thực hiện HNTQ của mình là nhất quán, minh bạch và không được lựa chọn hoặc duy trì nhằm tạo ra sự phân biệt đối xử đối với Bên kia. Theo đó, một Bên sẽ phải đảm bảo các loại phí và lệ phí được thu trong quá trình nhập khẩu thông qua hệ thống HNTQ phải tương xứng với chi phí của các dịch vụ được cung cấp.

Phần E: Các điều khoản chung và điều khoản thể chế

Điều 2.13: Các biện pháp bảo vệ cán cân thanh toán

Khi một Bên trong tình trạng khó khăn nghiêm trọng về cán cân thanh toán và tài chính đối ngoại hoặc đứng trước nguy cơ này, Bên đó có thể, phù hợp với GATT 1994, bao gồm cả những Điều khoản về Nhận thức đối với Cán cân thanh toán của GATT 1994, áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Để áp dụng các biện pháp này, Bên đó cần phải tham vấn ngay với Bên kia.

Điều 2.14: Ủy ban Thương mại hàng hóa

1. Các Bên cùng thiết lập Ủy ban Thương mại hàng hóa (từ đây gọi tắt là “Ủy ban”), bao gồm các đại diện của mỗi Bên.

2. Ủy ban sẽ họp theo đề nghị của một Bên hoặc của Ủy ban hỗn hợp để cân nhắc các vấn đề phát sinh trong Chương này.

3. Các chức năng của Ủy ban bao gồm:

(a) xúc tiến thương mại hàng hóa giữa các Bên, bao gồm cả việc thông qua tham vấn việc đẩy nhanh cắt giảm thuế quan theo Hiệp định này và các vấn đề khác nếu phù hợp;

(b) xem xét các vấn đề liên quan tới các biện pháp phi thuế và giải quyết các rào cản thương mại hàng hóa giữa các Bên với quan điểm đảm bảo các quyền và nghĩa vụ trong WTO và tạo thuận lợi thương mại giữa các Bên, và, nếu phù hợp, đưa các vấn đề đó lên Ủy ban hỗn hợp để xem xét;

(c) rà soát những sửa đổi Hệ thống Hài hòa để đảm bảo những nghĩa vụ của mỗi Bên trong Hiệp định này không bị thay đổi, và tham vấn để giải quyết những mâu thuẫn giữa:

(i) những sửa đổi đó đối với Hệ thống Hài hòa và Phụ lục 2-A; hoặc

(ii) Phụ lục 2-A và biểu thuế trong nước;

(d) tham vấn và nỗ lực để giải quyết bất cứ sự khác biệt có thể phát sinh nào giữa các Bên trong các vấn đề liên quan tới phân loại hàng hóa theo Hệ thống Hài hòa; và

(e) cung cấp một diễn đàn để thảo luận hay trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan tới mục (a) tới mục (d), mà có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới thương mại giữa các Bên, với quan điểm nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực tới thương mại và tìm kiếm những giải pháp thay thế cùng chấp nhận được.

Phần F: Định nghĩa

Điều 2.15: Định nghĩa

Đối với Chương này:

hàng mẫu thương mại có giá trị không đáng kể có nghĩa là hàng mẫu có giá trị, tính riêng lẻ hoặc được cộng gộp khi xuất đi, không nhiều hơn định mức được quy định trong luật, quy định hoặc các thủ tục của một Bên, quy định về tạm nhập hàng hóa, hay được đánh dấu, xé, đục lỗ hoặc được xử lý theo cách khác để xác định hàng này không phù hợp để bán hoặc sử dụng trừ khi là như hàng mẫu.

tiêu thụ có nghĩa là:

(a) thực tế được tiêu thụ; hoặc

(b) được tiếp tục xử lý hoặc chế tạo nhằm dẫn tới sự thay đổi đáng kể về giá trị, hình dáng, hay cách sử dụng của hàng hóa hoặc để sản xuất ra hàng hóa khác;

miễn thuế có nghĩa là miễn thuế hải quan;

hàng hóa được dùng để trưng bày hoặc trình diễn bao gồm các bộ phận, phụ tùng máy móc và phụ kiện của hàng hóa đó;

hàng hóa được tạm nhập cho mục đích thể thao có nghĩa là đồ dùng thể thao cần thiết để sử dụng trong thi đấu thể thao, trình diễn, hoặc đào tạo trên lãnh thổ của một Bên và được nhập cảnh vào lãnh thổ của Bên kia;

thủ tục cấp phép nhập khẩu có nghĩa là thủ tục hành chính yêu cầu việc nộp đơn hoặc các giấy tờ khác (khác với những giấy tờ được yêu cầu chung cho mục đích thông quan) lên cơ quan hành chính liên quan như là một điều kiện ban đầu đối với việc nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên nhập khẩu;

Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu có nghĩa là Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu, tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

yêu cầu hoạt động có nghĩa là một yêu cầu rằng:

(a) một mức hay phần trăm của hàng hóa phải được xuất khẩu;

(b) hàng hóa nội địa của Bên cấp giấy phép nhập khẩu thay thế cho hàng hóa nhập khẩu;

(c) một cá nhân hưởng lợi từ một giấy phép nhập khẩu phải mua hàng hóa hoặc dịch vụ khác trong lãnh thổ của Bên cấp giấy phép nhập khẩu, hoặc phải dành ưu đãi cho hàng hóa được sản xuất trong nước;

(d) một cá nhân hưởng lợi từ một giấy phép nhập khẩu phải sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ, trong lãnh thổ của Bên cấp giấy phép nhập khẩu, với một mức hoặc phần trăm nhất định hàm lượng nội địa; hoặc

(e) cần có sự liên hệ, theo bất kỳ cách nào, giữa số lượng và giá trị của hàng nhập khẩu với số lượng hoặc giá trị hàng xuất khẩu hoặc với lượng vào của dòng ngoại hối;

nhưng không bao gồm một yêu cầu rằng một hàng hóa nhập khẩu phải:

(f) sau đó phải được xuất khẩu;

(g) được sử dụng như là một nguyên liệu để sản xuất hàng hóa khác mà sau đó sẽ được xuất khẩu;

(h) được thay thế bởi một hàng hóa giống hệt hoặc tương tự được sử dụng như là một nguyên liệu để sản xuất hàng hóa khác mà sau đó sẽ được xuất khẩu; hoặc

(i) được thay thế bởi một hàng hóa giống hệt hoặc tương tự và sau đó sẽ được xuất khẩu; và

tài liệu in ấn quảng cáo có nghĩa là một số hàng hóa nhất định được phân loại trong Chương 49 của Hệ thống Hài hòa, bao gồm các sách quảng cáo, pam-fơ-lê, tờ rơi, ca-ta-lo thương mại, biên niên do các hiệp hội xuất bản, các tài liệu xúc tiến du lịch, và áp-phích được dùng để xúc tiến, quảng bá, quảng cáo một hàng hóa hoặc dịch vụ, và được dùng chủ yếu để quảng cáo một sản phẩm hoặc dịch vụ, và được cung cấp miễn phí.

 

PHỤ LỤC 2-A

CẮT GIẢM HOẶC XÓA BỎ THUẾ HẢI QUAN

1. Trừ khi quy định khác trong Biểu cam kết của Phụ lục này, lộ trình sau áp dụng cho việc xóa bỏ thuế hải quan của mỗi Bên phù hợp với đoạn 1 của Điều 2.3:

(a) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “Y-1” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn từ ngày Hiệp định có hiệu lực;

(b) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “Y-3” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được xóa bỏ thuế quan dần đều trong 3 năm từ thuế suất cơ sở, bắt đầu từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ không chịu thuế hải quan từ ngày 01 tháng 01 của năm thứ ba;

(c) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “Y-5” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được xóa bỏ thuế quan dần đều trong 5 năm từ thuế suất cơ sở bắt đầu từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ không chịu thuế hải quan từ ngày 1 tháng 1 của năm thứ năm;

(d) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “Y-7” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được xóa bỏ thuế quan dần đều trong 7 năm từ thuế suất cơ sở bắt đầu từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ không chịu thuế hải quan từ ngày 1 tháng 1 của năm thứ bảy;

(e) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “Y-8” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được xóa bỏ thuế quan dần đều trong 8 năm từ thuế suất cơ sở, bắt đầu từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ không chịu thuế hải quan từ ngày 1 tháng 1 của năm thứ tám;

(f) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “Y-10” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được xóa bỏ thuế quan dần đều trong 10 năm từ thuế suất cơ sở bắt đầu từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ không chịu thuế hải quan từ ngày 1 tháng 1 của năm thứ mười;

(g) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “Y-15” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được xóa bỏ thuế quan dần đều trong 15 năm từ thuế suất cơ sở bắt đầu từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ không chịu thuế hải quan từ ngày 01 tháng 01 của năm thứ mười lăm;

(h) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “E” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được duy trì ở mức thuế suất cơ sở.

2. Việc xóa bỏ thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ đặt trong Phần B của Biểu cam kết của một bên thuộc Phụ lục này sẽ phù hợp với mức thuế suất quy định cho năm đó trong Phần B.

3. Thuế suất cơ sở trong Biểu cam kết thuộc Phụ lục này là:

(a) Đối với phần A, là thuế suất thấp hơn của mức thuế suất MFN của một Bên có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2012 và mức thuế suất ưu đãi trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2012; và

(b) Đối với phần B, thuế suất ưu đãi của một Bên trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2015.

4. Thuế suất cơ sở của thuế hải quan và lộ trình để xác định thuế suất của từng giai đoạn cho một mặt hàng được xác định cho hàng hóa đó trong Biểu cam kết của mỗi Bên.

5. Thuế suất trong lộ trình cắt giảm sẽ được làm tròn xuống đến mức ít nhất là phần thập phân của phần trăm hoặc, nếu thuế hải quan được thể hiện bằng đơn vị tiền tệ, thì ít nhất đến mức đồng won gần nhất đối với trường hợp của Hàn Quốc.

6. Đối với Phụ lục này và Biểu cam kết của một bên, năm thứ 1 là năm Hiệp định có hiệu lực như quy định tại Điều 17.8 (Hiệu lực).

7. Đối với Phụ lục này và Biểu cam kết của một Bên, bắt đầu từ năm thứ hai, việc cắt giảm thuế quan hàng năm sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1 tháng 1 của năm tương ứng.

8. Trong trường hợp thuế hải quan của hàng hóa có xuất xứ theo Hiệp định này phù hợp với điểm b, c, d, e, f, g của đoạn 1 khác với thuế hải quan của cùng hàng hóa theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc, thuế suất hải quan thấp hơn sẽ được áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ theo Hiệp định này.

9. Các Bên đảm bảo rằng sự chuyển đổi mã HS sẽ không ảnh hưởng đến giá trị nhượng bộ thuế quan theo Phụ lục.

 

 

 Bản in]

Liên kết công vụ