OECD lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới năm 2017
  
Cập nhật:23/12/2016 9:49:22 SA
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 với sự hỗ trợ của các biện pháp kích cầu cho dù hoạt động thương mại và đầu tư kém thuận lợi.
Theo OECD, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng 3,3% năm 2017, cao hơn so với mức dự kiến 3,2% đưa ra hồi tháng 9-2016. Còn trong năm 2018, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng với tốc độ là 3,6%.

Mặc dù kinh tế thế giới vẫn đứng trước những bất ổn sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua và sự kiện cử tri nước Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, OECD vẫn quyết định nâng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế lớn. Theo OECD, các biện pháp kích cầu và sự tiến triển của chính sách thương mại sẽ giúp đưa kinh tế thế giới thoát khỏi “bẫy tăng trưởng thấp”.      

Dự báo về triển vọng kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, OECD lạc quan nhận định rằng chính sách thúc đẩy chi tiêu công và cắt giảm thuế của vị tỷ phú này sẽ giúp nền kinh tế hàng đầu thế giới tăng trưởng gấp đôi trong những năm tới. Các chuyên gia của OECD dự báo tăng trưởng của Mỹ sẽ đạt 2,3% trong năm tới và tiến tới đạt mức 3% trong năm 2018 - tăng gấp đôi so với mức 1,5% của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. OECD cũng dự báo GDP của Mỹ sẽ quay lại đà tăng trưởng vừa phải trong năm 2017 và tăng trưởng mạnh trong năm 2018 chủ yếu do chính sách hỗ trợ tài chính sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đề cao việc cắt giảm thuế doanh nghiệp lớn nhằm kích thích đầu tư, đồng thời cam kết rót 550 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ sở yếu kém. Đây là một phần trong kế hoạch chi tiết của tỷ phú 70 tuổi này nhằm vực dậy nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, OECD còn cho rằng kinh tế toàn cầu cũng sẽ được hưởng lợi nếu như các biện pháp thúc đẩy chi tiêu và điều chỉnh thuế của Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ mang lại hiệu quả đối với kinh tế nước này, giúp thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng trong nước.

Cũng trong báo cáo này, OECD đã có cái nhìn lạc quan hơn đối với nền kinh tế của Anh so với báo cáo công bố tháng 9 vừa qua, trong đó cơ quan này đã hạ dự báo tăng trưởng xuống một nửa sau sự kiện Brexit. Theo OECD, Anh sẽ đạt tăng trưởng 2% trong năm nay, tuy nhiên những hoài nghi trong tiến trình hậu Brexit sẽ là tác nhân chính kìm hãm sự tăng trưởng của "xứ sở sương mù" và sẽ chỉ đạt 1,2% trong năm 2017.

Đối với kinh tế Nhật Bản, OECD dự kiến mức tăng trưởng 1% của năm 2017, cao hơn so với mức dự kiến 0,7% trước đó. Năm 2018, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này dự kiến tăng trưởng 0,8%. Theo OECD, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cần duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cho đến khi tỷ lệ lạm phát ổn định ở mức trên 2%. OECD cho biết việc thực hiện “một kế hoạch đáng tin cậy và chi tiết”, bao gồm một lộ trình tăng từng bước thuế tiêu dùng, là cần thiết đề duy trì niềm tin đối với tình hình “sức khỏe” tài chính công của Nhật Bản. Trong khi kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 6,4% năm 2017, cao hơn so với mức 6,2% dự đoán trước đó, thì kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể tăng trưởng 1,6% năm 2017 và 1,7% năm 2018.

Trong báo cáo này, OECD cũng cảnh báo về sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ có thể tác động bất lợi tới tăng trưởng kinh tế. Theo OECD, "sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và nguy cơ trả đũa thương mại có thể làm mất đi phần lớn tác động tích cực của các sáng kiến về chính sách tài khóa đối với tăng trưởng của từng quốc gia và cả thế giới, đẩy các nước lâm vào tình trạng tài chính khó khăn"./.

BVHA
Theo TTXVN - XNK
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối  

Liên kết công vụ