Tận dụng lợi thế TPP thông qua quy tắc xuất xứ: So sánh với các FTA mà Việt Nam là thành viên
  
Cập nhật:05/05/2016 4:59:56 CH

             Để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng từ FTA, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho FTA đó. Không có quy tắc xuất xứ, việc đàm phán thuế quan sẽ vô nghĩa.

Quy tắc xuất xứ giúp xuất khẩu tăng trưởng bền vững, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA

Hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm nhiều chương, nhiều cấu phần: Thương mại hàng hóa, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Lao động - Di chuyển thể nhân, Mua sắm Chính phủ, Môi trường, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp vệ sinh - kiểm dịch động thực vật, Chính sách cạnh tranh, Cơ chế giải quyết tranh chấp…

Một trong những cấu phần quan trọng nhất, được thể hiện bằng kết quả hữu hình ngay khi một FTA có hiệu lực, là Thương mại hàng hóa (phần lớn các dòng thuế về 0 ngay khi hiệp định có hiệu lực). Để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng từ FTA, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho FTA đó. Không có quy tắc xuất xứ, việc đàm phán thuế quan sẽ vô nghĩa. Chỉ khi đáp ứng quy định về xuất xứ, quy tắc cụ thể mặt hàng (ROO, PSR), hàng hóa mới được cấp một Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi FTA thế hệ mới trong đó có TPP và các FTA Việt Nam đã thực hiện trong đó có ASEAN - còn có điều khoản về Tự chứng nhận xuất xứ (SC) cho phép doanh nghiệp chủ động khai báo và chịu trách nhiệm về xuất xứ của hàng hóa do mình xuất khẩu - thay vì đến cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O). C/O ưu đãi (sau này là Tự chứng nhận xuất xứ ưu đãi) chính là Hộ chiếu của hàng hóa xuất nhập khẩu, căn cứ pháp lý quan trọng nhất để cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan FTA; động lực cốt lõi kích thích FDI tới Việt Nam đầu tư sản xuất hàng hóa và có C/O ưu đãi tại Việt Nam, từ đó xuất khẩu ra thế giới nói chung và những nước có FTA với Việt Nam nói riêng (trong đó có Hoa Kỳ) để được hưởng các ưu đãi mà FTA (trong đó có TPP) mang lại.

Quy tắc xuất xứ đã, đang và sẽ luôn là vấn đề then chốt, cốt lõi của bất kỳ một hiệp định/thỏa thuận thương mại tự do nào, trong đó có TPP. Các quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) chi tiết cho từng mã HS trong từng ngành hàng về cơ bản phức tạp và không dễ áp dụng nếu nhà sản xuất, xuất khẩu không có kiến thức về mã HS, xuất xứ hàng hóa và không được hướng dẫn cụ thể để áp dụng đúng, chính xác quy tắc phù hợp cho sản phẩm của mình. Chỉ khi áp dụng đúng, chính xác quy tắc xuất xứ ưu đãi, nhà sản xuất, xuất khẩu mới có được C/O (hoặc Tự chứng nhận xuất xứ) ưu đãi để được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu tới các nước thành viên FTA (trong đó có TPP).

Do vậy, việc tổ chức hội thảo, tập huấn chuyên sâu nhằm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hiệu quả PSR trong các FTA (TPP) hết sức cần thiết. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam có kiến thức chuyên sâu về FTA và nắm vững quy tắc xuất xứ là không nhiều. Chỉ khi nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về FTA, đặc biệt về ROO, PSR (yếu tố cốt lõi của tất cả các FTA), tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ FTA mới được cải thiện, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và hàm lượng chế biến sâu trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, góp phần tạo nên sự tăng trưởng xuất khẩu bền vững cho nền kinh tế đất nước.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia hiện nay rất thấp (ngoại trừ AKFTA 85%) - trung bình 35%, tức là 65% còn lại là hàng hóa phải chịu thuế MFN cao hơn nhiều so với mức thuế FTA từ 0 - 5%. Tỷ lệ này được đo bằng tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế FTA chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu chung đến một thị trường FTA. Một trong những lý do chính: Doanh nghiệp chưa có hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ nên đã không tận dụng được ưu đãi xuất xứ, không xin được C/O ưu đãi và không được hưởng mức thuế quan 0 - 5% mà các FTA mang lại. Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã thực hiện về cơ bản tương đối linh hoạt và có phần lỏng hơn so với quy tắc xuất xứ trong TPP. Với FTA cũ, tỷ lệ tận dụng còn thấp thì với FTA mới, trong đó có TPP với những điều khoản phức tạp và chặt hơn, nếu không có các chương trình tập huấn kịp thời và thường xuyên cho doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp không chủ động cập nhật thông tin và trang bị kiến thức về FTA, việc cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ không khả thi.

Yếu tố then chốt để hưởng ưu đãi thuế quan TPP

TPP được đánh giá là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tương đối toàn diện (thể hiện ở số lượng và nội dung các Chương và điều khoản mà hiệp định này điều chỉnh). TPP cũng được đánh giá là hiệp định lạ nhất (xuyên khu vực Thái Bình Dương, gắn kết các quốc gia có sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế; khác biệt về thể chế chính trị, không tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, không cận kề về vị trí địa lý) nhưng sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho thành viên tham gia hiệp định, thể hiện ở việc nắn dòng chảy FDI hướng về các quốc gia này, điều chỉnh chuỗi cung ứng giá trị khu vực trong phạm vi FTA này và hạn chế không cho các quốc gia ngoài TPP được hưởng lợi thông qua việc thiết kế bộ quy tắc xuất xứ theo đó bắt buộc một số nhóm hàng trọng điểm phải sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ trong khối, qua đó giúp nâng cao hàm lượng chế biến có xuất xứ TPP trong thành phẩm xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng ở lại với quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng hóa trong TPP.

Việc tuân thủ quy tắc xuất xứ TPP là yếu tố then chốt quyết định việc được hưởng ưu đãi thuế quan TPP. Nếu các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không đáp ứng bộ quy tắc xuất xứ này, việc hưởng thuế quan ưu đãi sẽ vô nghĩa.

Một ví dụ cụ thể đối với ngành Dệt may: Trong hầu hết các FTA Việt Nam đã thực hiện (ngoại trừ AJCEP và VJEPA), nguyên liệu cho ngành có thể nhập khẩu từ bất cứ đâu, chỉ cần chứng minh công đoạn cắt may khâu thành sản phẩm diễn ra tại Việt Nam, sản phẩm đó được coi có xuất xứ và được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu sang đối tác FTA của Việt Nam (ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Chi-lê). Với AANZFTA và AIFTA, quy tắc xuất xứ khó hơn một chút, khi yêu cầu thành phẩm, ngoài công đoạn gia công cuối cùng diễn ra tại Việt Nam, phải chứng minh có ít nhất 35 - 40% trị giá của thành phẩm được tạo ra trong phạm vi FTA. Điều đó cũng có nghĩa, một số lượng nhất định nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải có thể nhập khẩu từ ngoài khối, chỉ cần chứng minh có 35 - 40% hàm lượng thành phẩm được tạo ra trong khối, hàng hóa đã được hưởng thuế quan ưu đãi FTA. Với AJCEP và VJEPA, không chỉ cắt may khâu tạo ra thành phẩm mà nguyên liệu vải bắt buộc phải có xuất xứ FTA, nói cách khác, Việt Nam không thể nhập khẩu vải từ Đài Loan hay Trung Quốc, Hàn Quốc để rồi sau đó xuất khẩu hàng may mặc sang Nhật Bản và hưởng ưu đãi thuế quan được.

TPP thể hiện mức độ khó cao nhất khi áp dụng quy tắc “từ sợi trở đi” có nghĩa là từ sợi tạo ra vải thô, vải thành phẩm và sau đó là hàng may mặc hoàn thiện, tất cả các công đoạn này phải được sản xuất trong phạm vi khu vực TPP.

Một ví dụ khác đối với ngành Nhựa, ngành được kỳ vọng có sự tăng trưởng ấn tượng khi xuất khẩu tới Hoa Kỳ sau khi TPP có hiệu lực: quy tắc xuất xứ với một số nhóm hàng nhựa yêu cầu ít nhất 50% hàm lượng polymer sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ TPP, trong khi hiện nay hầu hết nguyên liệu này không thể sản xuất trong nước và phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông (những quốc gia không phải thành viên TPP).

Tuy nhiên, không phải tất cả các mặt hàng xuất khẩu đều phải chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của quy tắc xuất xứ TPP. Một số nhóm hàng khi so sánh với các FTA khác mà Việt Nam đã và đang thực hiện, quy tắc xuất xứ là ngang bằng, thậm chí một số mã hàng có phần còn lỏng hơn, cụ thể như sau:

Một số mặt hàng cao su/sản phẩm cao su: Quy tắc xuất xứ trong TPP là ngang bằng với hầu hết các FTA khác mà Việt Nam tham gia (cho phép nguyên liệu có thể nhập khẩu từ ngoài khối) và lỏng hơn AANZFTA (yêu cầu xuất xứ thuần túy). Hạt điều nằm trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. TPP cho phép nhập khẩu nguyên liệu điều thô từ bất kỳ đâu, chỉ cần chứng minh công đoạn gia công chế biến cuối cùng (bóc tách vỏ hạt, tẩm ướp thêm gia vị, đóng hộp..) diễn ra tại Việt Nam là đã có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ để hưởng ưu đãi thuế quan TPP. Tiêu chí xuất xứ này ngang bằng với VKFTA nhưng lỏng hơn so với hầu hết các FTA khác mà Việt Nam đã thực hiện khi yêu cầu điều phải có xuất xứ toàn bộ hoặc một phần tại Việt Nam.

Xi măng, bột đá vôi và một số sản phẩm công nghiệp chế biến từ khoáng sản phục vụ xây dựng: Quy tắc xuất xứ TPP lỏng hơn hầu hết các FTA mà Việt Nam là thành viên, khi cho phép chuyển đổi mã HS ở cấp 4 số, thậm chí là 6 số, tức là nguyên liệu có thể nhập khẩu từ bất kỳ đâu, trong hay ngoài TPP đều được chấp nhận.

Đối với nhóm hàng máy móc, điện thoại, linh kiện điện tử: Quy tắc xuất xứ TPP hầu hết là ngang bằng hoặc có phần lỏng hơn (với một số mã HS nhất định) các FTA mà Việt Nam đang thực hiện, qua đó cho thấy tiềm năng và dung lượng xuất khẩu các nhóm hàng này sang các thị trường thành viên TPP, trong đó có Hoa Kỳ là rất lớn.

Nhận thức được tầm quan trọng của TPP nói chung và quy tắc xuất xứ nói riêng của hiệp định này trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững và kiểm soát nhập khẩu hiệu quả, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương phối hợp với Báo Công Thương tổ chức Hội thảo “TPP - Cơ hội và thách thức tác động đến xuất nhập khẩu Việt Nam” nhằm cung cấp đến cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan nội dung cốt lõi nhất của hiệp định với thông điệp: TPP thực sự là cơ hội, nếu doanh nghiệp nắm vững mã HS, đáp ứng quy tắc xuất xứ và lựa chọn quy tắc xuất xứ phù hợp; ngược lại TPP sẽ là thách thức, nếu doanh nghiệp không nắm vững mã HS, không có hiểu biết đầy đủ về tiêu chí xuất xứ và chuỗi cung ứng sản xuất trong khu vực, không chủ động được nguồn cung nguyên liệu, thì thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ và các nước thành viên khác của TPP áp dụng cho hàng Việt Nam sẽ vẫn là MFN chứ không phải thuế quan ưu đãi TPP. Khi đó việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định này sẽ không còn nhiều ý nghĩa như kỳ vọng của Chính phủ và chính cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất từ TPP.

 Bản in]

Liên kết công vụ