Công đoàn ngành Công Thương tham gia tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
  
Cập nhật:17/06/2019 10:26:11 SA
Ngày 14/6/2019, Công đoàn ngành Công Thương tham gia hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; lãnh đạo các cấp Công đoàn.

Tại hội nghị, Đồng chí Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đã trình bày một số vấn đề lớn trong dự thảo bộ Luật Lao động (sửa đổi) và quan điểm của Tổng LĐLĐ Lao động Việt Nam về việc góp ý vào Dự thảo Bộ luật Lao động bao gồm: quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; tuổi nghỉ hưu; tiền lương; tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể; tranh chấp lao động tập thể và đình công; một số nội dung đối với lao động nữ và bình đẳng giới; thời gian nghỉ âm lịch và bổ sung 02 ngày nghỉ…

Tại hội nghị các đại biểu sau khi thu thập ý kiến của người lao động, đã nêu lên một số quan điểm và đề xuất đáng quan tâm như:

Về tăng tuổi nghỉ hưu: đa số các đại biểu kiến nghị nên tách việc tăng tuổi nghỉ hưu riêng cho 2 đối tượng, cụ thể : Đối với lao động trí thức đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án một trong Bộ luật Lao động sửa đổi (Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi); đối với những người lao động trực tiếp giữ nguyên như hiện nay.

Về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa:Qua thu thập ý kiến, phần lớn người lao động không mong muốn mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm so với quy định hiện tại mà đề xuất cần tập trung các giải pháp để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người lao động. Một bộ phận đồng ý tăng thời gian làm thêm vì thu nhập còn quá thấp hoặc do nhà trọ chật hẹp, nóng bức, muốn tiết kiệm tiền điện nên chấp nhận làm thêm. Do đó đề xuất xem xét mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) khi việc chi trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động được tính theo lũy tiến,…

Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều sẽ được giảm 21 điều so với hiện hành. Sửa đổi, bổ sung khoảng 170 điều trong tất cả các chương, sửa đổi 2 điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu... các ý kiến góp ý sẽ được Liên đoàn Lao động tỉnh tổng hợp báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị bổ sung, điều chỉnh vào Luật Lao động.

TNCHI
CĐN
 Bản in]

Liên kết công vụ