Trong một số giờ học văn khi còn đi học, thỉnh thoảng tôi có nghe các thầy cô lấy Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một dẫn chứng cho sự chính xác trong việc sử dụng ngôn từ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lao động công phu khi viết Di chúc. Giờ đây những điều này được thể hiện cụ thể trong tập sách Di chúc của Bác Hồ, một giáo trình tiếng Việt độc đáo (NXB Trẻ, năm 2017) của tác giả Dương Thành Truyền.
Theo GS-TS ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân, qua những dẫn liệu cụ thể, tác giả đã chứng minh một cách sinh động tấm gương lao động ngôn từ mẫu mực của Bác Hồ: Cẩn trọng sửa đi sửa lại, công phu trong từng chữ, từng lời, từng đoạn kết nối nhau theo một trật tự logic chặt chẽ nhằm đến cách diễn đạt trong sáng, giản dị nhất có thể mà lại hiệu quả tối đa.
Di chúc hơn 1.000 chữ, Bác dành công sức hơn 4 năm
Theo tác giả Dương Thành Truyền, để viết Di chúc, một văn bản khoảng hơn 1.000 chữ, Bác Hồ đã dành công sức trọn vẹn hơn 4 năm. Năm nay viết, mấy năm sau Bác lại tìm cách bổ sung, thêm bớt, thậm chí thay đổi cả những đoạn đã từng sửa chữa nhằm tìm cách diễn đạt sao cho chính xác, hay hơn, tốt hơn.
Tác giả cũng đưa ra những con số cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lao động công phu khi viết Di chúc. Trong bản năm 1965, Bác có 2 lần bổ sung bằng cách viết tay trên bản đánh máy. Bản năm 1968 phần 1, Bác sửa 9 lần; bản năm 1968 phần 2, sửa 30 lần. Bản năm 1969, Bác sửa 16 lần. Như vậy, khi viết từng bản thảo, có tổng cộng 57 lần Bác tự sửa chữa, trong đó 32 lần lựa chọn lại từ ngữ, 22 lần tổ chức lại câu hoặc các thành phần của câu, 3 lần bổ sung thêm câu hoặc thêm đoạn. Còn nếu đối chiếu các phần có cùng một nội dung giữa các bản thảo với nhau, trong đó lấy bản 1 (năm 1965) làm gốc thì Bác đã 10 lần bổ sung, 8 lần sửa chữa.
Những bài học về rèn luyện cách viết tiếng việt
Trong Di chúc của Bác, người đọc sẽ thường xuyên rút ra được bài học về việc lựa chọn từ ngữ phù hợp với điểm nhìn và chỗ đứng, thái độ và tình cảm của người phát ngôn.
Theo tác giả Dương Thành Truyền, thực tế khảo sát quá trình sửa chữa Di chúc cho thấy có 7 trường hợp Bác lựa chọn để phù hợp cho yêu cầu này. Chẳng hạn trong bản năm 1969, Bác thay thế từ “thăm hỏi” bằng “chúc mừng” trong “chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng” liền trước “thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Bác thay thế từ không phải vì sợ trùng lặp mà muốn lựa chọn sự diễn đạt tinh tế, phù hợp với chỗ đứng của người phát ngôn: Với tư cách lãnh tụ, Bác chúc mừng những người làm nên chiến thắng; với tư cách người lớn tuổi, Bác thăm hỏi các phụ lão và thanh thiếu niên, nhi đồng.
Ở trường hợp khác, bản năm 1968 phần 1 ban đầu Bác viết: “Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. 1 hộp để lại miền Bắc. 1 hộp cho miền Trung. 1 hộp cho miền Nam”, nhưng sau đó Bác sửa lại, nhất loạt dùng “cho”: “1 hộp cho miền Bắc. 1 hộp cho miền Trung. 1 hộp cho miền Nam”, mà không dùng “để lại”. Theo tác giả, như vậy Bác đã chọn cho mình một chỗ đứng không thuộc nơi nào cả, để